Trong vụ sản xuất mía năm 2012-2013, hai nhà máy đường Bourbon - Tây
Ninh và Biên Hòa - Tây Ninh đã đầu tư trên 110 tỷ đồng ứng vốn cho các
doanh nghiệp đối tác phía Campuchia trồng mới được 3.503 ha mía tại các
huyện Rô Mia Hênh, Rùm Đuol, Svay Tiệp… thuộc tỉnh Svay Riêng. Trong đó,
nhà máy đường Bourbon-Tây Ninh trồng được 2.281 ha, Nhà máy đường Biên
Hòa trồng được 1.222 ha.
Campuchia là điểm đến mới của các công ty mía đường Việt Nam. Ảnh internet |
Việc trồng mía được thực hiện theo bản ký kết kết hợp tác
ngày 15/9/2011 giữa UBND tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) và tỉnh trưởng tỉnh
Svay Riêng (Vương quốc Campuchia) về hợp tác đầu tư trồng mía giữa doanh
nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Campuchia tại các vùng giáp ranh với
huyện Châu Thành và huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Theo các nhà máy đường, cây mía trong nước hiện nay phải canh tranh gay gắt với cây sắn và cây cao su, quỹ đất thích hợp để trồng mía giảm dần, sự cạnh tranh này đã đẩy giá đất và giá thuê đất tăng cao. Qua khảo sát diện tích đất tại khu vực tỉnh Svay Riêng, giáp biên giới 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu cho thấy, đất có thể trồng mía được khoảng từ 4.000 - 5.000 ha.
Nhưng trở ngại hiện nay là đất đai ở đây chưa có hệ thống tiêu thoát nước, hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh; các quy định cụ thể về đưa phương tiện sản xuất, phương tiện vận chuyển sang Campuchia để hỗ trợ sản xuất và vận chuyển mía về Việt Nam còn rất nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, hiện toàn bộ diện tích trồng mía của Nhà máy đường Biên Hòa đầu tư đã được thực hiện hạ tầng, mương tiêu thoát nước và giao thông đấu nối với Việt Nam. Riêng Nhà máy đường Bourbon đang lên kế hoạch phối hợp cùng chính quyền địa phương 2 tỉnh Tây Ninh và Svay Riêng tiến hành đầu tư xây dựng kênh thoát nước Monorum và tuyến giao thông nội đồng trên đất Campuchia với tổng chi phí cho dự án khoảng 1,2 tỷ đồng.
Giữa tháng 7/2012 lãnh đạo 2 tỉnh Tây Ninh và Svay Riêng cũng đã gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết những khó khó khăn còn tồn tại đối với doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện 2 bên đẩy mạnh phát triển và mở rộng vùng mía, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng biên giới Campuchia vừa bổ sung nguồn nguyên liệu cho các nhà máy đường của tỉnh.
Lê Đức Hoảnh