* Từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu 75.000 tấn thịt
Trong thời gian gần đây, người tiêu dùng đã thấy rõ sự giảm nhiệt của giá các loại thực phẩm so với đợt “sốt” cao điểm vào tháng 7 vừa qua. Nhiều mặt hàng thực phẩm đã giảm đáng kể, như mặt hàng thịt lợn, đã giảm đến 18%. Thời gian tới, nhiều nông dân sẽ tập trung tái đàn để cung cấp nguồn thực phẩm cho cuối năm.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Coop Mart. |
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay giá thịt lợn đã giảm 8% so với đầu tháng 9. Hiện, giá thịt lợn ở miền Nam đang ở mức 48.000 - 52.000 đồng/kg; miền Bắc 55.000 - 60.000 đồng/kg. Gà lông màu ở miền Nam hiện khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg, gà thịt lông trắng khoảng 34.000 - 36.000 đồng/kg; giá gà ở miền Bắc cũng nằm trong khoảng 34.000 - 36.000 đồng/kg.
Theo khảo sát tại một số chợ, hiện giá một số mặt hàng thực phẩm đã giảm từ 5 - 10% so với đợt cao điểm. Tại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), giá thịt lợn hiện đang ở mức 100.000 - 130.000 đồng/kg tùy loại; thịt bò khoảng 160.000 - 180.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg, giá một số mặt hàng thủy hải sản như cá chép, tôm, mực ống… có mức giảm khá mạnh so với nửa đầu tháng 7/2011: Giá cá chép giảm khoảng 9 - 12%; tôm sú giảm khoảng 17 - 21%. Giá một số loại rau củ quả vẫn giữ ổn định so với tháng trước.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu 75.000 tấn thịt, trong đó thịt lợn khoảng 3.000 tấn còn lại chủ yếu là thịt gà. Lượng thịt nhập khẩu hiện cũng đã có xu hướng giảm, trong tháng 8 nước ta nhập 12.000 tấn thịt, giảm 2.000 tấn so với tháng 7.
Theo Cục Chăn nuôi, tình hình chăn nuôi đang có chiều hướng thuận lợi do dịch bệnh cơ bản được khống chế, người chăn nuôi có lãi nên khả năng tái đàn của các hộ dân vẫn cao, đặc biệt là chuẩn bị cho lượng thực phẩm vào dịp Tết. Ông Nguyễn Thanh Sơn dự báo, trong những tháng tới giá thực phẩm sẽ tiếp tục giảm bởi nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, ông Sơn đưa ra điều kiện là nếu dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt.
Hiện nay cả nước chỉ có 3 tỉnh, thành phố có dịch cúm gia cầm là Quảng Ngãi, Thái Bình, Quảng Trị và tỉnh Nghệ An còn dịch lở mồm long móng. Theo Cục Thú y, tình hình dịch không nguy hiểm nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, vấn đề đáng lo lắng hiện nay là nhiều đàn gia cầm đã hết thời gian miễn dịch. Virút cúm ở khu vực miền Bắc, Trung và Tây Nguyên đã có biến thể và hiện chưa có vắcxin phù hợp. Trong khi đó, việc nhập lậu gia súc, gia cầm vẫn gia tăng ở các tỉnh biên giới. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, biện pháp phòng chống dịch quan trọng nhất hiện nay là phát hiện và tiêu hủy sớm.
Cục Thú y cho biết, hiện Cục đã cung ứng 45/50 triệu liều vắcxin cúm gia cầm H5N1-Re5 nhập từ Trung Quốc cho các tỉnh phía Nam tiêm phòng. Ngoài ra, Cục cũng làm thủ tục nhập 60 triệu liều vắcxin cúm gia cầm tiêm phòng đợt II cho các tỉnh phía Nam và tiến hành khảo nghiệm một số chủng loại vắc xin khác trên các loại gia cầm ở miền Bắc.
Bích Hồng