Cách đây 5 năm, nhận ra tiềm năng lớn của giống hoa lan dendro, chị Kim Phượng quyết định khởi nghiệp với mô hình lai tạo giống hoa này. Chị mạnh dạn thuê 200m2 đất tại phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức để đầu tư trồng thí nghiệm. Với dòng hoa lan dendro, chị Phượng chọn phương pháp thụ phấn, gieo hạt. Chị mất gần một năm để hoàn thành các đơn đặt hàng nhân giống hoa lan giả hạc cho nhà vườn mà chị đã nhận, cùng với việc sưu tầm và nghiên cứu lai tạo các giống lan dendro.
Sau nhiều lần lai tạo thất bại, được sự hỗ trợ tận tình về chuyên môn của các thầy cô giáo ở Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, chị tìm ra được phương pháp lai các mặt hoa làm mẹ, mặt hoa làm bố. Hiện, chị đã lai tạo được hơn 200 mặt hoa, đặc biệt là các dòng dendro nắng (cao từ 2 - 2,5m, cánh nhọn, chịu nắng tốt, có thể dùng để cắm chậu hoa lớn), dendro màu (cao khoảng 50cm, cánh tròn, ít chịu nắng), dendro chớp (có tia sáng trên rìa cánh, màu sắc và hình dáng là sự kết hợp giữa dendro màu và dendro nắng)…
Với chị Phượng, nhiều khó khăn trở ngại khi chị lai tạo giống hoa này đó là môi trường nuôi cấy, cách làm chồi, lựa chọn chồi cấy, cách ra cây, cách chăm sóc, quản lý vườn... bởi dòng lan dendro khác hoàn toàn với dòng giả hạc chị từng làm trong nhiều năm.
Nhờ sự tìm tòi, học hỏi và quyết tâm lai tạo giống lan dendro, chị Phượng đã góp phần mở ra cánh cửa mới cho thị trường hoa lan Việt Nam. Quá trình lai tạo của chị Phượng xuất hiện những dòng lan dendro đột biến như đột biến lá rìa màu trắng, đột biến lá sọc vàng, lá vàng sọc xanh, đặc biệt là dòng đột biến chớp đang được ưa chuộng trên thị trường. Chị Phượng chia sẻ: Dòng lan này cũng dễ hư hỏng nếu như gặp tình trạng bị côn trùng gây hại hay mắc bệnh đốm lá…
Sau khi lai tạo thành công những mẻ hoa đầu tiên, cuối năm 2020, với sự tư vấn của Hội Nông dân thành phố Thủ Đức, Hợp tác xã Vườn Lan Việt được chị Phượng thành lập với 11 thành viên. Ngoài khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên hợp tác xã Vườn Lan Việt còn có mặt ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp… Hợp tác xã Vườn Lan Việt được hình thành với mục đích phát triển ngành lan dendro lớn mạnh; đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, giảm lượng giống nhập khẩu từ Thái Lan như trước đây, đồng thời thời đem lại thu nhập cho nông dân, thành viên hợp tác xã.
Trong năm qua, là một hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cơ sở của chị Phượng cũng phải đối mặt với khó khăn như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, thời tiết diễn biến thất thường, thị trường tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19… Để đối mặt với thực trạng đó, chị Phượng phải chủ động liên hệ với các nhà cung cấp để tìm nguồn nguyên vật liệu phân bón có giá cả hợp lý. Đồng thời, các thành viên trong hợp tác xã xây dựng tự động hóa hệ thống tưới tiêu, phun thuốc. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí sản xuất, để giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện mỗi tháng, vườn lan của chị Phượng cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 chai phôi giống, chưa kể những cây con đã được nuôi dưỡng tại vườn. Không chỉ tạo cây giống cung cấp cho các nhà vườn, chị Phượng còn cung cấp các giống lan, những chậu lan đã ra hoa cho người yêu thích. Thông qua kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trang web của cơ sở... hoa lan từ vườn đã đi khắp nơi trong cả nước. Ngoài mô và cây con, khu vườn của chị còn nhận thiết kế chậu hoa loại lớn cho các doanh nghiệp làm quà tặng.
Cùng với đó, vườn lan của chị còn tạo việc làm cho nhiều nhân công, giúp nông dân đổi mới cách làm nông theo hướng ứng dụng công nghệ mới. Chị Phượng cho biết: “Tôi luôn hướng đến câu chuyện nhà nông phải trở thành những doanh nhân, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng tầm giá trị sản phẩm để xóa bỏ đi định kiến nhà nông phải chân lấm, tay bùn”.
Thời gian rảnh dỗi, chị Phượng dành thời gian học thêm về kinh doanh quốc tế; tiếp cận tư duy mới, chị đã kết nối với các hộ nông dân trồng hoa lan để hình thành một chuỗi khép kín, từ cây giống đến khi thu sản phẩm là hoa lan dendro để cung cấp cho các cửa hàng hoa. Chị kết nối với những người nông dân có vườn nhỏ, diện tích khoảng 400 - 500m2, nhằm hỗ trợ bà con có được công ăn việc làm, hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá khi thu hoạch. Bên cạnh đó, chị làm việc cùng với các nhà vườn đủ năng lực, nhằm cung cấp cho thị trường xuất khẩu, khẳng định vị thế thương hiệu hoa lan Việt.
Về kế hoạch trong thời gian tới, chị Phương cho biết, sẽ kết hợp với Trung tâm dạy nghề hỗ trợ nông dân Thành phố Hồ Chí Minh để mở lớp hướng dẫn nông dân cách gieo hạt lan, để nông dân có thể tự làm ra cây giống, từ đó giảm chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận.
Vườn lan của chị Phượng được khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước biết đến, luôn tấp nập nhất vào những mùa lễ, Tết. Đây còn là điểm hẹn hướng nghiệp cho các bạn học sinh được một số trường đưa đến tham gia các buổi học ngoại khóa, tìm hiểu kiến thức về mô hình phát triển nông nghiệp, góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Năm 2021, chị Phượng được Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương, nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố. Năm 2023, chị vinh dự là một trong 100 người được trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Theo ông Nguyễn Văn Quyên, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Thủ Đức, mô hình trồng hoa lan tại Hợp tác xã Vườn lan Việt của chị Liêu Thị Kim Phượng là mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của thành phố Thủ Đức nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Hoạt động trồng hoa lan không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho các thành viên trong hợp tác xã mà còn là mô hình phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố trong thời gian tới.