Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền tại Ocean Bank

Thông tin với báo giới về việc Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Ocean Bank) tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 25/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại Ocean Bank với giá 0 đồng để đảm bảo hoạt động ổn định của tổ chức tín dụng này.

Theo Bà Hồng, căn cứ quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại OceanBank.

Khách hàng giao dịch tại Oceanbank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt-TTXVN


Bà Hồng cũng cho biết, thực tế, thời gian qua, Ocean Bank là ngân hàng yếu kém đã bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt cần tái cơ cấu. Vì quá trình hoạt động, Ocean Bank có hiện tượng thất thoát vốn, khiến vốn thực có giảm thấp hơn vốn điều lệ. Tại Đại hội cổ đông, các cổ đông đã không nhất trí góp thêm vốn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua Ocean Bank với giá 0 đồng và trở thành chủ sở hữu ngân hàng này, qua đó chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu.

Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ định Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tham gia quản trị, điều hành Ocean Bank. Ngân hàng Nhà nước khẳng định toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Đại Dương sẽ được đảm bảo.

Liên quan đến việc xử lý sai phạm về thuế tại một số doanh nghiệp mới phát hiện dấu hiệu sai phạm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong đó có Công ty Honda Việt Nam. Cơ quan chức năng đã xử lý, yêu cầu truy thu, nộp phạt 182 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một khoản khá lớn doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ thuế. Bộ Tài chính đang áp dụng những biện pháp xử lý nghiêm minh đúng pháp luật đối với trường hợp sai phạm.

Về thông tin phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ phát hành Trái phiếu ra thị trường quốc tế giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đầu tiên là huy động vốn cho nền kinh tế để tái cơ cấu nợ. Thay các khoản vay với thời gian ngắn lãi cao bằng khoản vay có lãi suất hợp lý với thời gian dài hơn, trên cơ sở hệ số tín nhiệm của Việt Nam cao hơn trước. Ngoài ra, việc phát hành ra thị trường quốc tế còn nhằm đảm bảo việc huy động vốn hợp lý, trong thời gian dài phục vụ nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia. Ông Tuấn cũng cho biết, việc vay nợ phải dựa trên nguyên tắc không vượt qua trần nợ công (65% GDP), đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế, không bị ràng buộc các điều kiện sử dụng, đồng thời đảm bảo nguyên tắc an toàn an ninh kinh tế, quản lý rủi ro các dự án trọng điểm. Song, việc này còn phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành , địa phương và trình Quốc hội thông qua mới có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Về tiến trình khắc phục sự cố ảnh hưởng đến môi trường ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, vụ việc liên quan đến môi trường trong việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhân dân trong khu vực. Theo ông Tuấn Anh, nguyên nhân của sự việc này có trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như Ban Quản lý dự án xây dựng nhà máy. Nguyên nhân lớn nhất là do không thực hiện đúng thiết kế kĩ thuật trong xử lý môi trường. Ngoài ra còn có những sai phạm và thay đổi so với thiết kế ban đầu.

Ông Tuấn Anh khẳng định, ngay sau khi sự việc xảy ra Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã có chỉ đạo ngay EVN để khẩn trương xử lý các sự cố. Theo đó, trước mắt phải khắc phục ngay bằng các biện pháp như: Quây, che khu chứa xỉ, tưới nước để tránh không phát tán ra môi trường; dừng việc vận chuyển và đổ xỉ than ra bãi mà tập kết ở bên trong nhà máy. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án không sử dụng đường dân sinh và những đường trong hệ thống bên ngoài đồng thời tiến hành ngay việc gia cố lại hệ thống đường, rải đá dọc đường dân sinh để đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN kiểm tra lại quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nhà máy, đặc biệt liên quan đến thiết kế phần xử lý môi trường, xem xét đánh giá và làm rõ trách nhiệm, có biện pháp kỉ luật với các cá nhân tương xứng với các hành vi vi phạm.

Quang Vũ/TTXVN
NHNN chính thức mua toàn bộ cổ phần Oceanbank
NHNN chính thức mua toàn bộ cổ phần Oceanbank

Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đặt Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN