Đắk Lắk: Chủ động triển khai các biện pháp chống hạn

Đắk Lắk có diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 655.000 ha (lớn nhất cả nước). Tỉnh đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài gây hạn hán cục bộ ở nhiều địa phương, nguy cơ thiệt hại lớn đối với ngành nông nghiệp. Do đó, các cấp chính quyền cùng nông dân cần chủ động triển khai biện pháp phòng, chống hạn cho cây trồng nhằm giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán gây ra.

Chú thích ảnh
Người dân huyện Lắk dùng bơm dã chiến “cứu” diện tích lúa vụ đông xuân đang bị khô hạn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Dự báo hạn hán kéo dài

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, dự báo tình trạng khô hạn trên địa bàn tỉnh xuất hiện từ cuối tháng 3 và có khả năng kéo dài khiến lượng dòng chảy duy trì ở mức thấp, một số sông, suối có thể xuất hiện tình trạng khô kiệt. Khu vực đầu nguồn sông, suối thuộc các huyện Krông Bông, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp khả năng bị cạn kiệt, xuất hiện tình trạng hạn hán ở một số địa phương gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Ghi nhận tại huyện Lắk, từ giữa tháng 3 xuất hiện tình trạng khô hạn, nhiều diện tích cây trồng vụ Đông Xuân thiếu nước tưới và đứng trước nguy cơ mất trắng, chính quyền địa phương, nông dân đang nỗ lực triển khai biện pháp chống hạn cho cây trồng.

Anh Y Soan Niê, buôn Dar Ju, xã Bông Krang, huyện Lắk cho biết, vụ Đông Xuân gia đình trồng hơn 1 sào lúa nước. Năm nay, tình trạng khô hạn diễn ra nghiêm trọng. Đặc biệt, từ giữa tháng 3 các đập thủy lợi, mương nước phục vụ tưới bị cạn kiệt khiến cánh đồng lúa của gia đình có nguy cơ mất trắng nếu không được bổ sung nguồn nước.

Không còn cách nào khác, anh phải khoan giếng ngay trên đồng ruộng với chiều sâu khoảng 12 mét tìm nguồn nước bơm vào cánh đồng. Tuy nhiên, việc tìm nguồn nước rất khó khăn và không đủ cung cấp cho cánh đồng nếu tình trạng hạn hán tiếp tục kéo dài, anh Y Soan Niê chia sẻ.

Trong hoàn cảnh tương tự, ông Y Toan Teh, trưởng buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lắk cho biết, đập Dắk Păl (xã Bông Krang) cung cấp nước tưới cây trồng ở các buôn Ja và Krai bị cạn trơ đáy từ giữa tháng 3, người dân phải luân phiên cả ngày lẫn đêm dùng bơm dã chiến hút những vũng nước còn lại trong đập bơm vào hệ thống mương thủy lợi hoặc bơm trực tiếp vào cánh đồng cứu lúa vụ Đông Xuân.

Chú thích ảnh
Một tuyến kênh mương dẫn nước tưới cho cách đồng lúa xã Bông Krang, huyện Lắk, không còn khả năng cấp nước. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND xã Bông Krang Y Tuyên Du cho biết, vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024, toàn xã có khoảng 923 ha cây trồng cần tưới nước. Từ đầu năm 2024, lượng dòng chảy của các con suối trên địa bàn xã bị thiếu hụt lớn, gây ra tình trạng mực nước hồ chứa, nước ngầm giảm sâu. Đặc biệt, cuối tháng 3/2024, các con suối cạn kiệt, việc điều tiết, khai thác nguồn nước phục vụ chống hạn gặp khó khăn. Tình hình nắng nóng kéo dài khiến 63 ha lúa nước trong giai đoạn làm đồng, trổ bông bị ảnh hưởng, trong đó, nhiều diện tích xác định mất trắng do hạn hán. Dự báo tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng, nguồn nước phục vụ chống hạn trên địa bàn xã thiếu hụt, mạch nước ngầm bị cạn kiệt và khả năng diện tích bị thiệt hại tiếp tục tăng thời gian tới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đối với sản xuất nông nghiệp năm 2024, khả năng thiếu nước xảy ra cục bộ tại các công trình thủy lợi nhỏ, lòng hồ bị bồi lắng, vùng không có công trình, vùng nghèo nước ngầm, như các huyện Cư M’gar, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Bông, Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Búk, Krông Năng, Lắk... với khoảng 8.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Do đó, nông dân, cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương cần chủ động triển khai biện pháp phòng, chống hạn.

Chủ động phòng, chống hạn

Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk cho biết, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn huyện có hơn 7.100 ha cây trồng. Dự báo tình hình hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến hơn 450 ha cây trồng vụ Đông Xuân.

Để chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện Lắk ban hành Quyết định phê duyệt phương án phòng, chống hạn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô.

Những vùng còn nước tưới, địa phương tuyên truyền bà con sử dụng bơm dã chiến tưới cho cây trồng; diện tích trong kế hoạch sản xuất nhưng không còn nước tưới sẽ được thống kê để hỗ trợ kinh phí bị thiệt hại theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ nhằm giúp người dân sớm khôi phục sản xuất trong vụ sau, ông Nguyễn Viết Quang cho hay.

Chú thích ảnh
Cánh đồng lúa của người dân xã Bông Krang, huyện Lắk, có nguy cơ mất trắng vì hạn hán. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Phương án ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh, phân công cụ thể nội dung, phương án ứng phó từng loại hình thiên tai ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai.

Trong đó đề nghị chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan chú trọng phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, tăng cường quản lý, điều tiết, bảo vệ nguồn nước; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, chịu hạn...

Ngành chức năng, chính quyền các địa phương đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có phương án sử dụng nước hợp lý; ưu tiên sử dụng nguồn nước tại sông, suối trước, sau đó, đến nguồn nước ao, hồ tạm, nguồn nước ở hồ chứa công trình thủy lợi, thủy điện.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, đối với giải pháp công trình cần nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ các hồ chứa; nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, đảm bảo dẫn nước hiệu quả; đắp đập tạm giữ nước; lắp đặt trạm bơm dã chiến để khai thác nước sông, suối và dung tích chết của hồ chứa; khoan giếng khai thác nước ngầm; điều tiết chuyển nguồn nước từ công trình dư thừa hỗ trợ công trình bị thiếu nước; đầu tư xây dựng mới công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt.

Ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng công trình thủy lợi lớn trọng điểm; nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, xuống cấp nhằm đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ phát triển sản xuất của nhân dân trong tỉnh.

Tuấn Anh - Hoài Thu (TTXVN)
Phòng chống hạn, mặn: Đảm bảo đủ nước cho sản xuất
Phòng chống hạn, mặn: Đảm bảo đủ nước cho sản xuất

Kết quả đo nồng độ mặn trong những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho nồng độ mặn ở mức khá cao, nhất là tại các huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, với mức từ 2 phần nghìn đến 9,5 phần nghìn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN