Tin cho biết tỉ lệ phiếu áp đảo 29/6 và 5 phiếu trắng là kết quả của cuộc họp ngày 21/1 của Ủy ban. Ủy ban trên cũng đồng ý thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (IPA) với tỉ lệ phiếu 26/7 và 6 phiếu trắng. Thỏa thuận với Việt Nam sẽ được trình lên toàn thể Nghị viện châu Âu bỏ phiếu khi các nghị sĩ nhóm họp trong tuần từ ngày 10/2.
Việc Ủy ban Thương mại Quốc tế của EP ủng hộ áp đảo cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đang rất mong muốn mở rộng thương mại với Việt Nam. EVFTA là thỏa thuận tự do thương mai thứ hai của EU với một quốc gia ở Đông Nam Á, sau Singapore.
Sau khi liệt kê các mốc thời gian chính của quá trình đàm phán EVFTA, BBC cho biết ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.