Khác với tàu thuyền có công suất nhỏ, hoạt động ở ngư trường gần bờ, dễ tìm nơi trú ẩn an toàn hơn trong mùa biển động, tàu có công suất lớn thường xuyên hoạt động dài ngày ở ngư trường xa bờ, thường khá chật vật tìm nơi trú ẩn mỗi khi chạy về đất liền tránh bão. Do vậy tìm được nơi neo đậu an toàn, thuận lợi cho tàu cá xa bờ luôn là mong mỏi của ngư dân và nỗ lực của chính quyền trong nhiều năm qua.
Khu neo đậu có diện tích vùng nước rộng 104 ha, trong đó có 52 ha được nạo vét ở cao trình từ 2,5m đến 4,5m.
Hiện thực hóa giấc mơ về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn
Sau hơn một năm xây dựng, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá An Hòa kết hợp cảng cá Tam Quang, xã Núi Thành, thành phố Đà đã đạt trên 95% khối lượng công việc. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị tham gia mở rộng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa kết hợp nâng cấp cảng cá Tam Quang đã huy động tối đa phương tiện, thiết bị, vật tư, nhân lực xây dựng các hạng mục cuối cùng để hoàn thiện các tuyến kè, ụ neo đậu tàu thuyền, đường giao thông, nạo vét luồng và khu nước neo đậu tàu, đảm bảo cho khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão An Hòa sẵn sàng tiếp nhận hàng nghìn tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn trong mùa mưa bão năm nay.
Thi công kè chống sạt lở khu neo đậu tàu thuyền An Hòa.
Ông Lê Viết Quang, người dân địa phương cho biết, trước đây ngư dân các địa phương trong vùng cũng có khu neo đậu tàu thuyền nhưng không an toàn cho người và phương tiện khi có gió mạnh. Bây giờ được nhà nước đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền có quy mô bề thế như thế này là rất thuận lợi và an toàn cho bà con ngư dân.
“Cả đời tôi sống với nghề biển nhưng chưa bao giờ tôi thấy khu neo đậu tàu thuyền An Hòa có quy mô bề thế, thuận lợi và an toàn như thế này. Trước kia, mỗi khi tàu chạy về khu neo đậu tàu thuyền An Hòa để tránh trú bão, do các trụ neo đậu tàu thuyền ở gần nhau, nên khi có gió bão mạnh, tàu thuyền thường xuyên va đập vào nhau, nhẹ thì hư hỏng, nặng thì bị chìm, gây nhiều thiệt hại. Vì vậy từ bao đời nay ngư dân chúng tôi luôn ước mơ có nơi trú ẩn để bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng của mình” ông Quang nói.
Khu neo đậu có diện tích vùng nước rộng 104 ha, trong đó có 52 ha được nạo vét ở cao trình từ 2,5m đến 4,5m.
Cả đời làm nghề đi biển, từng chứng kiến nhiều vụ tàu thuyền của bà con vào neo đậu gần bờ nhưng vẫn bị sóng đánh chìm hoặc va đập gây hư hỏng nặng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Núi Thành, thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Khoa phân tích: “Bây giờ, tại khu neo đậu tàu thuyền An Hòa, các trụ neo tàu thuyền được bố trí hợp lý và khoảng cách không quá gần, nên nguy cơ va đâp giữa các tàu rất khó xảy ra. Luồng chạy tàu và khu mặt nước neo đậu tàu thuyền đều được nạo vét bùn đất và xây bờ kè chống sạt lở nên mối lo tàu mắc cạn đã được khắc phục. Hy vọng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền An Hòa sẽ bảo vệ an toàn tài sản cho bà con ngư dân trong mỗi mùa mưa bão”.
Với nguồn vốn đầu tư hơn 420 tỷ đồng, khu neo đậu tránh trú bão An Hòa kết hợp cảng cá Tam Quang có tổng diện tích 140 ha, gồm các hạng mục như: Khu neo đậu có diện tích vùng nước rộng 104 ha; trong đó có 52 ha được nạo vét ở cao trình từ 2,5m đến 4,5m, hệ thống báo hiệu, kè bảo vệ bờ kết hợp trụ neo tàu có chiều dài gần 2Km. Trong mùa mưa bão năm nay, hơn 1.200 tàu cá; trong đó có hơn 500 tàu có công suất từ 300 CV đến trên 1000 Cv của ngư dân thành phố Đà Nẵng, phần còn lại là tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai sẽ có chỗ neo đậu tránh trú bão an toàn.
Nỗ lực đưa công trình về đích trước mùa mưa bão
Các thiết bị chuyên dụng để nạo hút cát trên vùng diện tích rộng hàng trăm ha đảm bảo cho tàu cá có công suất lớn dễ dàng ra vào.
Chỉ huy trưởng công trình, kỹ sư Trần Văn Hà cho biết, do tính chất đặc biệt của công trình, thời gian qua, các đơn vị tham gia thi công đã tổ chức làm việc 3 ca 4 kíp để đảm bảo đưa công trình về đích đúng tiến độ đề ra. Hiện tại các đơn vị thi công đang tập trung tối đa phương tiện, vật tư và nhân lực để thi công hoàn thiện tất cả các hạng mục chính của công trình.
Theo quan sát của phóng viên, đối với các hạng mục trên bờ, hiện tại các phương tiện và công nhân thi công hoàn thiện thân kè, hoàn thiện việc lát mái ta luy âm kè chống sạt lở, thi công hoàn chỉnh hệ thống trụ neo tàu, bản tựa tàu, lắp đặt hệ thống chống va đập thân tàu khi cập bến. Tất cả các hạng mục này sẽ hoàn thành trước 30/9 năm nay.
Cùng với việc thi công các hạng mục trên cạn, dưới mặt nước, các đơn vị thi công đang triển khai nhiều thiết bị chuyên dụng để nạo hút cát trên vùng diện tích rộng hàng trăm ha ở cao trình nạo vét từ từ 2,5m đến 4,5m, đảm bảo cho tàu cá có công suất lớn dễ dàng ra vào trú ẩn an toàn trong mùa mưa bão.
“Hiện tại trên công trình đã thi công khối lượng đạt trên 95%. Chúng tôi sẽ hiện đúng cam kết, bàn giao công trình cho chủ đầu tư trước 30/9/2025. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện, bố trí lực lượng làm việc 3 ca 4 kíp để bàn giao, đưa công trình vào sử dụng đúng kế hoạch”, kỹ sư Trần Văn Hà chia sẻ thêm.
Các thiết bị chuyên dụng để nạo hút cát trên vùng diện tích rộng hàng trăm ha, đảm bảo cho tàu cá có công suất lớn dễ dàng ra vào.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Lam cho biết, sau khi địa phương bàn giao mặt bằng, hơn một năm qua, các đơn vị thi công đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai nâng cấp các hạng mục của khu neo đậu tàu thuyền An Hòa và cảng cá Tam Quang, đảm bảo chất lượng, hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão sắp đến.
Không chỉ tạo chỗ neo đậu an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão, Khu neo đậu tàu thuyền An Hòa và cảng cá Tam Quang sau khi nâng cấp sẽ trở thành cảng cá hiện đại, vừa thuận lợi trong việc bốc dỡ, thu mua, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm sản phẩm nhanh chóng, vừa cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân, đồng thời nâng cao khả năng giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng, góp phần xây dựng ngành kinh tế thủy sản hiện đại và bền vững, ông Lam cho biết thêm.