Tạo hình đa dạng
Nổi tiếng trong khu vực về chất lượng và tạo hình các loại quả, ngay từ thời điểm tháng 10, các nhà vườn ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã rộn ràng với việc chuẩn bị sản phẩm bưởi hồ lô. Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, cho biết, Tết năm nay ngoài những tạo dáng quen thuộc, người trồng bưởi đã chăm chút cho ra thêm nhiều sản phẩm mới như bưởi hồ lô Tài Lộc thư pháp, hình biển đảo quê hương...
Trong mỗi gia đình Việt, trái cây không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về. |
Trong khi đó, được xem là “thủ phủ” xoài ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), những ngày này nhà nông xã Tân Thuận Đông đang chăm chút tạo hình cho xoài. Tết năm nay, tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ 30% kinh phí trồng, sản xuất 5.000 quả xoài có chữ nổi phục vụ dịp Tết. Theo tính toán của bà con, chi phí để làm ra những quả xoài có chữ nổi vừa tốn kém, lại mất nhiều thời gian và nhiều rủi ro hơn so với các loại trái cây thông thường khác. Khác với Tết năm 2016, xoài chỉ được khắc một chữ, năm nay các nghệ nhân đã nâng cấp lên hai chữ bằng thư pháp bay bướm, mềm mại hơn.
"Mẫu chữ năm nay vẫn là những bộ chữ ưa chuộng quen thuộc như: Vạn sự như ý, Xuân mới phát tài, Phúc lộc thọ... Bình thường, loại xoài vườn chỉ có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, nhưng khi được tạo chữ cho giá gấp hơn chục lần, mà vẫn không đủ hàng cung ứng", anh Nguyễn Văn Đông ở ấp Tân Phát cho biết.
Tương tự, tại những địa phương khác vốn nổi tiếng về các loại trái cây đặc sản như quýt hồng Lai Vung, dưa hấu, khóm son... nhà vườn cũng đang khẩn trương đẩy mạnh công đoạn chăm sóc, đảm bảo thu hoạch đúng dịp Tết. Góp thêm cho sự đa dạng của thị trường trái cây Tết năm nay là trái đào tiên hồ lô, khóm son màu đỏ thắm nổi bật hay hình dáng độc đáo kiểu đầu rồng; dưa hấu vuông, dưa hấu hình trái tim nổi, dưa hấu thỏi vàng... Ngoài các tiêu chí về hình dạng, kích cỡ, năm nay các nhà vườn đã từng bước chuyển hướng tập trung vào những tiêu chí an toàn, được công nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Nỗi lo thời tiết
Nhu cầu vào dịp Tết tăng cao, nhưng tại nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long, nhà vườn đang lo không có đủ sản lượng trái cây phục vụ cho thị trường. Nguyên nhân do biến đổi về thời tiết đã khiến cho không ít nhà nông dù có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây ăn quả vẫn phải lo lắng.
"Thời điểm nhà vườn xử lý cho cây ra hoa thì mưa nhiều, sau đó lại nắng dữ dội, cộng với cơn bão vào tháng 10 vừa qua đã gây tình trạng cháy bông, không đậu trái hoặc đậu trái non mấy hôm thì bị héo rụng. Trước đó, đợt hạn hán gay gắt hồi đầu năm đã khiến nhiều vườn trái cây bị suy yếu khiến đợt ra bông không đậu quả, mặc dù nhà vườn đã áp dụng rất nhiều biện pháp hồi phục. Ước tính sản lượng trái cây năm nay sẽ giảm khoảng 30% so với Tết năm 2016", ông Lê Phúc Hậu ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp), nhận định.
Khảo sát của phóng viên báo Tin Tức cho thấy, do dự đoán trái cây vào những ngày cuối năm sẽ khan hiếm nên giá cả cũng có chiều hướng tăng nhẹ, khoảng 10 - 20%. Theo đó, bưởi loại 1 được các vựa hiện đang thu mua có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, quýt đường có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, xoài cát giá dao động từ 18.000 - 27.000 đồng/kg...
“Chỉ tính tại địa bàn huyện, sản lượng trái cây đã giảm khoảng 20 - 30% so với mọi năm và chỉ còn khoảng 1.300 tấn bưởi, trên 500 tấn xoài và trên 1.000 tấn cam sành cung ứng trong dịp Tết. Giá nhiều loại trái cây như: bưởi, xoài... hiện đã tăng cao và đến Tết giá sẽ còn tăng nữa vì khan hàng. Lo không gom đủ sản lượng, nhiều hợp tác xã, nhà vườn đã không dám ký hợp đồng cung ứng cho khách hàng trong dịp Tết”, ông Trần Hồng Đức, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết.