Đa dạng nguyên liệu và sản phẩm gỗ để thâm nhập thị trường 'khó tính'

Theo chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra cho ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, trong năm 2018 toàn ngành này đạt kim ngạch 9 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm 2017.

Vì vậy, toàn ngành đặt ra chiến lược mới để có thể dễ dàng thâm nhập những thị trường khó tính, giúp ngành gỗ tăng trưởng mạnh.

Cải tiến thiết bị, tăng mẫu mã riêng

Với xu hướng tiêu thụ đồ gỗ hiện nay của cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài, thì đồ gỗ được chia làm 2 phân khúc. Đó là phân khúc cho giới trẻ di cư, có nhu cầu sử dụng những đồ nội thất đa chức năng, tiết kiệm diện tích và phân khúc thị trường dành cho những người có không gian sống riêng, ổn định. Điều này rất phổ biến ở châu Âu và Mỹ.

Nhiều chuyên gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ đồ gỗ đến từ châu Âu chia sẻ, xu hướng mua đồ nội thất bằng gỗ sản xuất đại trà vốn không được ưu tiên ở những thị trường này. Ông Biorn Henseler, đại diện tập đoàn Homag Group (Đức) nhấn mạnh, người tiêu dùng châu Âu nói chung, tại Đức, Thụy Sỹ nói riêng hiện có xu hướng thích đặt hàng mẫu mã đồ gỗ riêng biệt và họ chấp nhận trả giá cao cho sự khác biệt này. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam phải tăng cường đa dạng mẫu mã, thiết kế mới tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Hiệp Long – Bình Dương. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Không riêng với những mẫu mã thiết kế, mà xu hướng tiêu dùng ở các thị trường khó tính cũng nghiêng về đa dạng chủng loại gỗ, thay vì chỉ sử dụng đồ gỗ từ gỗ cứng như trước đây. Bằng những tiêu chí bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có đã khuyến khích người dân chuyển hướng trong tiêu dùng.

Do đó, chủng loại gỗ được phân thành gỗ cứng và gỗ kỹ thuật. Nguồn gỗ cứng ngày càng khan hiếm bởi việc bảo tồn cây rừng và diện tích rừng tự nhiên từ chính phủ các nước. Vì vậy, nguồn gỗ kỹ thuật (gỗ được tạo ra từ nguồn gỗ tự nhiên kết hợp với keo dính để tạo ra nguồn vật liệu lớn) lại được ưa chuộng nhất hiện nay.

Bà Juliane Lemcke, chuyên gia về gỗ của chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại từ Thụy Sỹ (SIPPO) khẳng định rằng, với những tiêu chí sử dụng đồ gỗ này, chính là cơ hội cho các doanh nghiệp và ngành chế biến gỗ Việt Nam tăng khả năng thâm nhập vào thị trường châu Âu cũng như thị trường Mỹ. Cụ thể, các chủng loại gỗ kỹ thuật tại các thị trường này dù đa dạng nhưng nguồn nguyên liệu lại thiếu, không đủ để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, với xu hướng sử dụng chủng loại này. Để có thể làm ra nhiều loại gỗ kỹ thuật khác nhau, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cải tiến thiết bị để tiết kiệm nguồn nguyên liệu, nhân công nhiều nhất và cho năng suất cao nhất mới thu được lợi nhuận cao.

Không thiếu nguyên liệu phục vụ cho chế biến

Trong khi nhiều cơ hội chế biến và xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mở ra, điều đang lo ngại của các doanh nghiệp vẫn là nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không còn là nguyên liệu nữa.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp của HAWA nhận được 100% đơn hàng sản xuất trong năm 2018. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên liệu gỗ phục vụ cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu trong năm 2018 sẽ thiếu. Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều doanh nghiệp, nguồn nguyên liệu lại rất dồi dào và đa dạng chủng loại.

Theo đó, 50% nguyên liệu được nhập khẩu từ 60 quốc gia khác nhau trên thế giới, vừa để phục vụ cho nhu cầu sử dụng đồ gỗ trong nước, vừa tạm nhập chế biến để tái xuất. Vì nguồn nguyên liệu đến từ nhiều quốc gia nên sẽ không phụ thuộc vào bất kì thị trường xuất khẩu gỗ nguyên liệu nào.


Với 50% nguồn nguyên liệu còn lại, ngành gỗ Việt Nam sẽ sử dụng từ 5 triệu ha rừng trồng, cung cấp 22,5 triệu m3 gỗ, 1 triệu ha rừng cao su cung cấp 3 triệu m3 gỗ và rừng cây ăn quả của cả nước cho 1 triệu m3 gỗ mỗi năm. Đây là những loại gỗ có nguồn gốc hợp pháp, đáp ứng đủ tiêu chí an toàn môi trường, khai thác gỗ hợp pháp của các nhà nhập khẩu trên thế giới.

Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam cũng sử dụng tài nguyên thiên nhiên tái sinh từ các loại đồ gỗ cũ, tái chế biến, khuyến khích người tiêu dùng gia tăng sử dụng các loại đồ dùng từ gỗ để bảo vệ môi trường.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty cổ phần Gỗ công nghiệp Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, với ngành chế biến gỗ hiện nay không lo lắng về nguyên liệu cho chế biến. Nhưng vẫn đề ra chiến lược để nâng cao năng suất, đa dạng mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bởi vì mẫu mã các sản phẩm gỗ thường khó giữ được độc quyền, người thiết kế đồ gỗ, mỹ nghệ lại không nhiều.

Ngoài việc chú trọng các thị trường cao và trung cấp đã khai thác trong thời gian qua, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cũng hướng các doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm để phục vụ cho thị trường cấp thấp. Đây là phân khúc hiện còn bỏ trống cần được khai thác.

Với những chiến lược đã đề ra, ngành gỗ được dự báo có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho ngành gỗ Việt Nam. Với sự Phát triển của ngành gỗ trong năm 2017, thì năm 2018 chỉ cần mức tăng trưởng thêm 1 tỷ USD là không khó.

Hồng Nhung (TTXVN)
Tây Nguyên quy hoạch lại các cơ sở chế biến gỗ
Tây Nguyên quy hoạch lại các cơ sở chế biến gỗ

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) cơ bản không còn các cơ sở chế biến gỗ trong rừng, gần rừng góp phần ngăn chặn, giảm tình trạng phá rừng trái phép trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN