Đây là nhận định chung của nhiều diễn giả tại hội nghị “Triển vọng thị trường bất động sản 2017 – Tác động chính sách” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng 20/12 tại Hà Nội.
Cũng theo nhiều diễn giả, một số chính sách mới tuy đã được ban hành nhưng còn chậm đi vào cuộc sống, nhất là chính sách về sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài. Các chủ thể tham gia thị trường bất động sản đang rất quan tâm tới chính sách tín dụng và việc đề xuất đánh thuế người có căn nhà thứ 2 trở lên.
Nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn. Ảnh: TTXVN |
Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam 2016 vừa gượng lại sau trận "ốm nặng" và kéo dài. Với thị trường gồm 94 triệu dân và diện tích nhà ở trung bình hiện khoảng 22m2/người theo số liệu từ tháng 9/2016 của Bộ Xây dựng thì vẫn còn rất thấp so với Thượng Hải (Trung Quốc) cũng như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Điều đó cho thấy, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam còn rất lớn và tiềm năng, triển vọng vẫn còn hiện hữu. Đó là chưa kể tốc độ đô thị hóa cao và chính sách mở cửa, tạo thuận lợi thương mại khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới lĩnh vực bất động sản.
Đánh giá tổng quan về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, năm 2016, các phân khúc đều phát triển mạnh mẽ; trong đó, đặc biệt là phân khúc nhà ở cao cấp và bất động sản du lịch. Nhận thức của doanh nghiệp, các nhà đầu tư tốt hơn, ý thức tham gia cùng cộng đồng nhằm cân đối cơ cấu hàng hóa, kết hợp với khai thác cơ hội của nhóm cầu lớn nhất. Đồng thời, phân khúc hàng hóa lớn nhất là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại với giá trung bình và thấp. Các nhà đầu tư, các nhà môi giới, phân phối sản phẩm bất động sản đã ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng tích cực cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Chất lượng các sản phẩm bất động sản cũng đã được cải thiện theo hướng tích cực, không chỉ thể hiện ở các sản phẩm bất động sản cao cấp mà kể cả ở các căn nhà, tòa nhà và khu đô thị. Ông Hà cũng phân tích về tình hình lệch pha cung cầu với sự tăng cung mạnh mẽ ở phân khúc nhà ở cao cấp và dòng bất động sản cao cấp. Hiện nay, thị trường đang dư thừa nguồn cung này mà lại thiếu nguồn cung nhà cho người thu nhập thấp. Trong khi các chủ đầu tư quá tập trung vào phát triển hàng hóa cao cấp thì 70% nhu cầu của thị trường lại là phân khúc nhà ở trung bình trở xuống. Quan trọng hơn, hiện nay, phân khúc nhà ở thương mại có giá khoảng 15 triệu/m2 đang khá hiếm trên thị trường. Ông Hà cũng ghi nhận, một trong những lý do khiến doanh nghiệp không mặn mà với các dự án nhà ở bình dân là do biên độ lợi nhuận của phân khúc này thấp.
Theo ông Hà, ngoài bất cập này, thị trường bất động sản năm 2016 còn chưa được khai thông bởi các nguồn tín dụng, đặc biệt là thiếu các cơ cấu, chính sách tín dụng hỗ trợ và thúc đẩy thị trường. Thêm nữa, hệ thống thông tin dữ liệu thị trường bất động sản còn yếu và thiếu, tính minh bạch của thị trường bất động sản cũng cần được nâng cao thêm và các nhà đầu tư, các nhà phân phối và các nhà quản lý vận hành bất động sản cũng cần tiếp tục chuyên nghiệp hóa hơn nữa.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), Giáo sư Nguyễn Mại nhận định, lệch cán cân cung cầu và dẫn tới sự tuột dốc của thị trường nhà đất là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường bất động sản đang có những tín hiệu tích cực; FDI đổ vào bất động sản đang có xu hướng gia tăng với sự tham gia của những tập đoàn địa ốc hàng đầu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác. Điều này khiến cho thị trường bất động sản năm 2016 hoạt động khá chất lượng và hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, tạo lợi thế so sánh hơn so với các nước trong khu vực.
Xét ở nhiều yếu tố vĩ mô và đánh giá những tác động khách quan đối với sự phát triển của thị trường bất động sản trong năm 2017, Phó Giáo sư Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, thế giới đang bất định và tiềm ẩn nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới là thích ứng, điều chỉnh và tái cơ cấu. Đồng thời, tiếp tục hồi phục tăng trưởng và có sự chuyển biến mạnh về chất. Nhưng, vẫn còn rào cản đáng kể cho sự tăng trưởng và thay đổi mô hình tăng trưởng.
Thị trường bất động sản đang dần phát triển ổn định hơn và đi vào nhu cầu thực chất. Cơ cấu thị trường thay đổi theo hướng nội và thực chất hơn. Cơ cấu bất động sản có sự dịch chuyển từ phân khúc trung, cao cấp sang phân khúc trung bình thấp. Tuy nhiên, kịch bản triển vọng của thị trường trong năm 2017 nhiều khả năng sẽ là đi ngang, một số phân mảng sẽ có sự điều chỉnh giảm trong khi nhiều mảng khác sẽ điều chỉnh tăng nhưng không đáng kể.
Đánh giá triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam năm 2017, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, diễn biến sẽ tiếp tục như năm 2016 và chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Nhưng, giai đoạn này sẽ có sự đột phá về phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội bởi Nhà nước dự kiến sẽ dành nguồn lực để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với nhu cầu mua nhà ở khoảng 15 triệu/m2 và diện tích khoảng 70m2/căn. Ngoài ra, phân khúc cao cấp, các loại hình sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng sẽ phải điều chỉnh giảm. Khi cơ cấu sản phẩm trên thị trường được ổn định và cân đối hơn. Đó là tín hiệu mừng để tin rằng, thị trường bất động sản sẽ dần ổn định vững chắc.