Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Tại tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen" do Báo Người Lao động tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận, mặc dù trong thời gian qua các cơ quan chức năng liên tục có các cảnh báo cũng như triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, song hoạt động tín dụng đen vẫn còn tồn tại. Không những vậy, hoạt động của các tổ chức này ngày càng tinh vi, núp bóng, trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong thực tế, tín dụng đen tồn tại gắn với những tệ nạn xã hội như số đề, cá độ... Do vậy, muốn dẹp bỏ tín dụng đen phải song hành với dẹp bỏ các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, cần truyền thông đến người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, để dẹp bỏ tâm lý sợ đến ngân hàng, nghĩ là vay ngân hàng khó lắm.
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ xem xét đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tăng cường tuyên truyền đến người dân để hiểu rõ hơn về những chính sách tín dụng, mở rộng tuyên truyền các gói vay nhanh, thủ tục đơn giản để người dân dễ dàng tiếp cận.
"Nếu là những nhu cầu chính đáng, cấp bách của người dân như đi khám chữa bệnh, học hành… thì sẽ được ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận tối đa về tín dụng. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc và tuân thủ pháp luật, không để xảy ra rủi ro cho an toàn của chính tổ chức tín dụng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc cho biết, để triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen, Agribank đã ưu tiên xét duyệt và giải ngân trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng…
"Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để tuyên truyền, quảng bá chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình đến người dân, đặc biệt là bà con khu vực vùng sâu, vùng xa - nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng đen", ông Phạm Toàn Vượng chia sẻ.
Ngoài ra, Agribank cũng chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân thông qua hàng trăm sản phẩm dịch vụ tiện ích, đa dạng kênh phân phối; trong đó với việc phát triển trên 69.000 tổ vay vốn với gần 1,4 triệu thành viên, triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 14.500 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,2 triệu khách hàng tại địa bàn 400 xã trên toàn quốc, đưa ngân hàng về gần dân hơn, đảm bảo cho người dân được tiếp cận nguồn vốn và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng và an toàn.
Theo các chuyên gia, sở dĩ tín dụng đen còn tồn tại là do kênh tín dụng chính thức chưa thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của người dân, nhất là các nhu cầu vốn không chính thức. Do vậy, việc tháo gỡ nút thắt cho tín dụng tiêu dùng được xem là giải pháp hiệu quả nhất để đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này vẫn cần sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành khác chung tay, nhất là bộ phận công đoàn các cấp - những người hiểu rõ đời sống người lao động.
Nâng cao nhận thức của người dân
Trước tình trạng tín dụng đen đang len lỏi vào đời sống của công nhân, người lao động, mới đây Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đến Liên đoàn Lao động 24 quận, huyện; Công đoàn ngành, sở, khối, tổng công ty và cấp trên tương đương...
Theo đó, các cấp Công đoàn trực thuộc tập trung đẩy mạnh các giải pháp thực hiện đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” tại thành phố. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp cùng các ngành chức năng tuyên truyền các chính sách tài chính, hỗ trợ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động vay vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp; định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Các cấp Công đoàn tích cực tuyên truyền nâng cao cảnh giác về phương thức, thủ đoạn và hậu quả do “tín dụng đen” gây ra; tuyên truyền các vụ việc vỡ hụi, vỡ họ, lừa đảo thông qua huy động vốn. Đồng thời vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động không tham gia trực tiếp, gián tiếp các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; phối hợp giám sát, ngăn ngừa các hoạt động của đoàn viên công nhân, viên chức, lao động tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ có liên quan đến “tín dụng đen”.
Để đạt được hiệu quả cao trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, ông Hồ Xuân Lâm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi cán bộ công đoàn cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có nhu cầu vay vốn chính đáng tiếp cận nguồn vay từ Tổ chức tài chính vi mô (CEP) hoặc từ các ngân hàng, tổ chức tài chính, tín dụng hợp pháp. Tổ chức Công đoàn huy động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động phối hợp với lực lượng chức năng ra quân tháo gỡ bảng hiệu, tẩy xóa tờ rơi, quảng cáo liên quan “tín dụng đen”.
Ngoài ra, Công đoàn tăng cường vai trò giám sát tại địa bàn dân cư, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia tố giác, đấu tranh, lên án đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng. Đồng thời, phối hợp cùng các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức hiệu quả diễn đàn “Quần chúng nhân dân lên án, tố giác tội phạm”, nhất là tại các địa bàn trọng điểm.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổ chức tài chính vi mô Tp.Hồ Chí Minh (CEP) nhìn nhận, tín dụng đen đang cố tìm mọi cách với nhiều hình thức len lỏi vào cuộc sống của người lao động với nhiều chiêu thức cho vay. Phần lớn vụ việc xảy ra (vay với lãi suất cao) ở các doanh nghiệp có thâm dụng lao động cao hay lao động ở các khu vực phi chính thức, nơi có đông dân cư lao động nghèo; khi túng thiếu, hoặc cần tiền gấp, nhiều người chỉ nghỉ đếm làm sao để có tiền nhanh mà không quan tâm đến các điều khoản hợp đồng, mức lãi suất từ bên cho vay; cùng với đó, nhiều người có tâm lý xoay sở trong thời gian ngắn rồi trả, nên bất chấp lãi suất cắt cổ.
Để hạn chế hoạt động tín dụng đen, ông Hoàng Văn Thành cho biết, CEP đã triển khai nhiều sản phẩm, tín dụng nhỏ tự tạo việc làm, tăng thu nhập với mức lãi suất vay bình quân chỉ từ 0,55 - 0,65%/tháng và mức vay tối đa 50 triệu đồng cho công nhân, người lao động nghèo. Dù chưa có số liệu thống kê chính thức, song nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ CEP, nhiều lao động nghèo đã thoát khỏi tín dụng đen, tạo thu nhập ổn định; hỗ trợ công nhân, người lao động thoát nghèo…