Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nhiều rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã và đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung; đồng thời cũng tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế mở của Việt Nam.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội hay thách thức với doanh nghiệp do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 25/6.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc không đơn thuần là những tranh chấp về mặt thương mại mà thực sự là cuộc cạnh tranh mang tính sống còn của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực công nghệ, kinh tế số cũng như không gian phát triển.

Những diễn biến leo thang trong việc đánh thuế của Mỹ lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc làm cho hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ tại thị trường Mỹ. Điều này cũng có thể gọi là cơ hội cho hàng hóa các nước khác; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, rủi ro từ cuộc chiến này với các doanh nghiệp Việt Nam là không nhỏ nếu doanh nghiệp Việt Nam không đủ nội lực và tỉnh táo.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, mặc dù cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc vào Mỹ khá tương đồng nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng thay thế hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ. Nguyên nhân bởi Trung Quốc là nhà sản xuất có quy mô, số lượng lớn với chi phí rất cạnh tranh, khi gặp khó ở thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, kể cả Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp Trung Quốc, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa.

Thêm vào đó, do Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nguyên liệu truyền thống của Việt Nam nên nhiều khả năng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách đưa hàng vào Việt Nam nhằm đánh tráo nguồn gốc xuất xứ rồi xuất khẩu qua Mỹ. Chính vì vậy, vấn đề hiện nay là phải cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam sự nguy hiểm nếu tiếp tay cho hoạt động chuyển tải hàng hóa của Trung Quốc có thể gây thiệt hại nặng nề về sau cho cả ngành hàng và nền kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, những lợi thế so sánh về mặt giá và khả năng thay thế hàng hóa Trung Quốc ở thị trường Mỹ cho Việt Nam mới chỉ trên lý thuyết, trong khi đó những tác động tiêu cực đã rõ nét hơn.

Cụ thể, cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn Mỹ và Trung tác động trực tiếp tới sự suy giảm kinh tế toàn cầu và thổi bùng lên xu hướng bảo hộ thương mại gây bất lợi cho những nền kinh tế mở như Việt Nam; trong đó, môi trường trao đổi thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc xấu đi bởi Trung Quốc ưu tiên tiêu thụ hàng nội địa. Dẫn chứng là xuất khẩu các mặt hàng điện tử, điện thoại, máy tính, thủy sản, nông sản Việt Nam sang trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đều giảm, điện thoại giảm tới 62,3%, thủy sản giảm 31,5%...

Chú thích ảnh
Các chuyên gia chia sẻ thông tin tại Hội thảo. Ảnh:Xuân Anh/TTXVN

Ở góc độ đầu tư, Tiến sĩ Phạm Sĩ Thành cho rằng, trước đây nhiều ý kiến nhận định Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng thực chất việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng lại tạo ra rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp trong nước. Khi các doanh nghiệp Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam thì giá nhân công, giá bất động sản công nghiệp sẽ tăng lên, cạnh tranh về nhân công, về nguyên phụ liệu sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đuối sức, thậm chí phải từ bỏ thị trường.

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, đạt 2 tỷ USD; trong đó có tới 85% vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này có nghĩa là trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể sẽ gia tăng nhưng lợi ích thật sự không thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, các nhà quản lý của Việt Nam cũng cần kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư từ Trung Quốc có dấu hiệu dịch chuyển các nhà máy sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu và ô nhiễm vào Việt Nam để tránh những tác động lâu dài tới môi trường.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, mặt hàng đồ gỗ, nội thất là thế mạnh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng cho rằng ngành gỗ, nội thất Việt Nam có lợi thế ở thị trường Mỹ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Tuy nhiên trong thực tế, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, nội thất của Đồng Nai lại đang gặp khó khăn tại thị trường Mỹ, không những không gia tăng được đơn hàng mà còn mất dần một số đơn hàng vào doanh nghiệp FDI mới đầu tư vào Việt Nam.

Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam tìm cơ hội mở nhà máy hoặc mua lại các doanh nghiệp Việt Nam nhằm sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa tận dụng được những cơ hội ít ỏi từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, ngược lại còn bị cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Tương tự với ngành da giày, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày Tp. Hồ Chí Minh cho biết, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, số lượng các đơn hàng từ Mỹ vào Việt Nam có tăng, nhiều khách hàng trước đây nhập hàng Trung Quốc cũng đang chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung tại Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là không có nhiều doanh nghiệp da giày Việt Nam tận dụng được cơ hội này bởi năng lực sản xuất còn hạn chế. Nhiều đơn hàng số lượng lớn và yêu cầu thời gian giao hàng ngắn trong khi quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhỏ, không thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Trong khi đó, Trung Quốc được biết đến là quốc gia có năng lực sản xuất khổng lồ, đặc biệt là trong ngành da giày. Chính vì thế khi hàng hóa Trung Quốc gặp hàng rào thuế tại Mỹ còn đơn hàng lại chuyển sang Việt Nam thì khả năng chuyển tải hàng Trung Quốc vào Việt Nam là rất cao. Chỉ cần một doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hoạt động gian lận xuất xứ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thì cả ngành da giày của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị áp thuế trừng phạt.

Luật sư Ken Đạt Dương, Điều hành Công ty luật TDL tại Mỹ cho rằng, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó tận dụng được cơ hội mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra, đồng thời lại đối mặt với nguy cơ chuyển tải hàng hóa lớn dễ phát sinh những rủi ro lâu dài. Xu hướng thương mại của Mỹ là thường xuyên kiểm soát và “đưa vào tầm ngắm” những quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ lớn, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng vọt trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức thận trọng trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ thời gian này.

Về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào sản xuất các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh về giá trị thay vì giá thành như hiện nay. Việt Nam cũng nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất để có khai thác tối đa những cơ hội từ thương mại toàn cầu.

Xuân Anh (TTXVN)
Tín hiệu tích cực về đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Tín hiệu tích cực về đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết ông sẽ có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và gặp ông bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản) cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN