Yếu kém về năng lực
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dù đã có nhiều bước tiến với hơn 5.000 doanh nghiệp, chủ yếu trong ngành cơ khí, dệt may da giày, sản xuất linh kiện, nhưng có gần 90% vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Phạm Thanh Tùng, Phòng Công nghiệp hỗ trợ - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, khó khăn hiện hữu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp. Đơn cử ngành điện tử chỉ từ 5-10%; ngành ô tô từ 7-10%; ngành dệt may, da giày từ 45-50%. Về trình độ công nghệ, trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.
"Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu", ông Tùng nói.
Cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khảo sát của Tổng cục Thống kê chỉ ra phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), cũng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp. Nhưng các công cụ khác như Lean, 6 sigma, hay TQM, TPM thì số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng từ 1-2%.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức như về quy mô, kinh nghiệm, năng lực, thị phần, thương hiệu… đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên để công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn, thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của ngành công nghiệp nội địa, cũng như của các đối tác, khách hàng đa quốc gia và năng lực đáp ứng.
Nhìn sang các nước như Hàn Quốc, để hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, thời gian đầu, Chính phủ nước này đã ban hành Luật đặc biệt về linh kiện, phụ tùng và vật liệu, theo đó chi hàng tỷ USD dành cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hay như Malaisia, nước này cũng đưa ra chương trình Liên kết công nghiệp (ILP), với 3 nội dung: Các công cụ khuyến khích tài chính, liên kết kinh doanh và gói hỗ trợ cung cấp nơi đặt nhà máy sản xuất, nghiên cứu phát triển, nâng cấp công nghệ, phát triển thị trường xuất khẩu…
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác SKD cho rằng, ở Việt Nam, đang tồn tại tình trạng "nhà nhà làm cơ khí", bởi lẽ doanh nghiệp nhỏ đang tự bơi bằng nguồn quan hệ khách hàng của mình, đầu tư chưa đúng trọng tâm... Ở các quốc gia, nhà nước sẽ hướng vào những ngành mũi nhọn và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nâng cao trình độ... Do vậy, doanh nghiệp rất mong sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước thông qua công cụ chính sách giúp doanh nghiệp nội địa tham gia được vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu. Đồng thời cần định hướng chiến lược, xây dựng và tập trung nguồn lực thích đáng để thực thi có hiệu quả các chiến lược, chương trình cụ thể …
Chờ chính sách
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; trong đó có nhiều giải pháp thiết thực như ưu đãi cấp bù chênh lệch lãi suất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp; thu hút FDI có hàm lượng công nghệ cao…
Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước thời gian tới, vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng được các chuyên gia nhận định là sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ. Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, Chính phủ cần xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội để ban hành trong thời gian sớm nhất. Bởi khi chúng ta có nền tảng thể chế tốt thì đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có con đường đi đúng. Các cơ quan bộ, ngành, trung ương, địa phương và các hiệp hội có được định hướng để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn chính sách thí điểm về công nghiệp hỗ trợ sớm ra đời và có thể hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam về vốn, lao động, hạ tầng nhà xưởng, các khu công nghiệp chuyên sâu, cũng như kết nối đầu ra giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam", ông Nguyễn Hoàng nói.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, việc hoạch định các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cần được xây dựng thống nhất và xuyên suốt. Để thực hiện được mục tiêu này, hệ thống chính sách quốc gia cũng cần phù hợp với quy định của sân chơi các nước đối tác, của khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng chưa có định hướng phát triển cụ thể với các ngành chế biến chế tạo, ngành nào là mũi nhọn, kim chỉ nam để hướng nguồn lực nhà nước, tư nhân vào lĩnh vực đó. Do vậy, việc sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ, Luật Cơ khí là rất cần thiết. Bởi khi tất cả được "luật hóa" thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngành mới sớm thực thi.
Hiện nay, các chính sách dự kiến tại Dự án Luật Phát triển công nghiệp đã được Chính phủ thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật năm 2023. Bộ Công Thương đang tiến hành tiếp thu ý kiến để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Bộ này cho rằng, việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp sẽ tạo lập công cụ phát triển ngành đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…