Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương thì số liệu thống kê từ các cuộc tổng điều tra và điều tra đóng vai trò rất quan trọng, nhằm đánh giá hiện trạng, tham mưu đề xuất cho các cấp lãnh đạo.
Năm 2021 là năm thứ 6 cuộc Tổng Điều tra kinh tế xã hội được thực hiện. Đây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 4 loại đơn vị điều tra, bao gồm: doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị, sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Khác với các kỳ Tổng điều tra kinh tế trước đây, trong Tổng điều tra kỳ này, đơn vị điều tra là cơ quan hành chính do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện. Trong báo cáo kết quả sơ bộ này chưa bao gồm thông tin của các cơ quan hành chính. Năm 2020 được chọn là năm số liệu để thu thập và tổng hợp thống nhất cho tất cả các loại đơn vị điều tra.
Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ được công bố trong quý I/2022 với hệ thống các chỉ tiêu thống kê chi tiết, đầy đủ, những chuyên đề phân tích chuyên sâu sẽ được phổ biến dưới nhiều hình thức, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin thống kê cho việc lãnh đạo quản lý của Đảng, Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin khác.
Theo kết quả Tổng điều tra năm 2021, tổng số lượng của 4 loại đơn vị điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2020 có gần 6 triệu đơn vị, tăng 8% so với năm 2016. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020, số lượng đơn vị tăng 1,9%/năm, cao hơn mức tăng 1,5%/năm của giai đoạn 2011-2016 và thấp hơn mức tăng 4,9%/năm của giai đoạn 2006-2011.
Số lượng lao động trong các đơn vị điều tra năm 2020 là gần 26,0 triệu người, tăng 3,0% so với năm 2016. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020, số lượng lao động tăng 0,7%/năm, thấp hơn mức tăng 3,6%/năm của giai đoạn 2011-2016 và mức tăng 7,7%/năm của giai đoạn 2006-2011.
Số lượng doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì mức tăng trưởng; các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có dấu hiệu chững lại trong 5 năm qua.
Doanh nghiệp tăng cả về số doanh nghiệp và lao động; trong đó, số doanh nghiệp có mức tăng cao nhất trong các loại đơn vị điều tra. Tính đến 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp thực tế đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 35,3% so với năm 2016.
Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm số doanh nghiệp tăng 7,9%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng 8,7% bình quân năm của giai đoạn 2011-2016.
Trong năm 2020 các doanh nghiệp thu hút trên 14,7 triệu lao động, tăng 4,7% so với năm 2016. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, số lao động tăng 1,2%, thấp hơn mức tăng 5,1%/năm của giai đoạn 2011-2016.
Hợp tác xã có mức tăng cao về số lượng đơn vị nhưng giảm mạnh về số lao động. Năm 2020, cả nước có gần 15,3 nghìn hợp tác xã, tăng 17,5% so với năm 2016; thu hút 169,6 nghìn lao động, giảm 15,6% so với năm 2016.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, mỗi năm số lượng hợp tác xã tăng 3,5%, cao hơn mức giảm bình quân 0,8% của giai đoạn 2011-2016; mỗi năm số lao động trong các hợp tác xã giảm 4,4%, trái ngược so với mức tăng bình quân 0,2%/năm của giai đoạn 2011-2016.
Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tăng cả về số đơn vị và số lao động nhưng thấp hơn nhiều so với các giai đoạn trước đây. Năm 2020, cả nước có gần 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, tăng 5,7% so với năm 2016. Bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020, số cơ sở tăng 1,4% và số lao động tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của giai đoạn 2011-2016 lần lượt là 3,0% và 1,8%; giai đoạn 2006-2011 lần lượt là 4,4% và 5,6%.
Đơn vị sự nghiệp có sự sụt giảm về số lượng đơn vị so với năm 2016, đặc biệt lĩnh vực y tế giảm mạnh do thay đổi phạm vi thu thập thông tin.
Tổng số lượng đơn vị sự nghiệp năm 2020 là 52,5 nghìn đơn vị, giảm 28,6% so với năm 2016; thu hút 2,4 triệu lao động, giảm 6,1%. Bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2020, số lượng đơn vị sự nghiệp giảm 8,1% và số lượng lao động giảm 1,6%.
Đơn vị hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có sự sụt giảm về số lượng đơn vị nhưng số lượng lao động lại có sự tăng trưởng so với năm 2016. Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì đà tăng trưởng cả về số lượng cơ sở và lao động, tuy nhiên tốc độ tăng có xu hướng trái ngược nhau.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương cho biết, Tổng cục Thống kê đang đẩy nhanh tiến độ xử lý để công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trong thời gian sớm nhất.
Kết hợp với dữ liệu khai thác từ các nguồn hồ sơ quản lý hành chính của ngành thuế, kho bạc, hải quan…, kết quả chính thức sẽ được công bố với hệ thống các chỉ tiêu thống kê chi tiết, đầy đủ và những phân tích chuyên sâu, chuyên đề và công bố với nhiều hình thức nhằm đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu thông tin thống kê của Đảng, Nhà nước.
Về kết quả sơ bộ Điều tra cơ sở hành chính, theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Vụ trưởng Vụ kế hoạch- Tài chính, Bộ Nội vụ, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương, số lượng các cơ sơ hành chính năm 2020 giảm so với năm 2016. Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, cả nước có trên 32.300 cơ sở hành chính, giảm 7,25% so với năm 2016. Bà Thủy cho biết, kết quả chính thức Điều tra cơ sở hành chính sẽ được công bố trong quý II/2022.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, các cuộc điều tra thống kê theo lĩnh vực là hoạt động khoa học nhằm phân tích, giải thích và tổng hợp dữ liệu. Trong những năm qua, ngành thống kê đã giúp và làm cơ sở quan trọng cho Đảng, Nhà nước định hướng, cũng như ban hành chính sách, quản lý điều hành kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, bộ ngành nào, địa phương nào quan tâm chú trọng đến số liệu thống kê thì có những chỉ đạo chính xác, có chiến lược phát triển khoa học và cụ thể.
Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 nhằm thu thập thông tin về số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính; kết quả thu chi của cơ sở hành chính nhằm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực…, Thứ trưởng Nguyễn trọng Thừa thông tin.
Tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho biết, cuộc Điều tra cơ sở hành chính và Tổng điều tra kinh tế có mục đích, ý nghĩa quan trọng đối với cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Kết quả của 2 cuộc điều tra giúp các cấp, các ngành của thành phố đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin…Từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển để đưa ra định hướng phát triển phù hợp
Bên cạnh đó, 2 cuộc điều tra còn góp phần giúp thành phố tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu GDP, GRDP và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia; đánh giá số lượng, chất lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính, đơn vị sự nghiệp để từ đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng phù hợp với từng giai đoạn, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố…