Báo cáo kiểm toán năm 2010 niên độ 2009 do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố sáng 30/8 cho biết, khoản tài chính kiến nghị xử lý là hơn 17.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu 4.904 tỷ đồng, giảm chi 2.462 tỷ đồng. Các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm 697,7 tỷ đồng. Các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 7.962 tỷ đồng và xử lý khác 1.068 tỷ đồng... Đây là khoản tài chính mà KTNN kiến nghị xử lý ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Thu tăng, chi sai giảm
Mặc dù trong điều kiện nền kinh tế suy giảm, phải thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng thu ngân sách vẫn vượt dự toán 16,6%, trong đó thu nội địa chiếm 59,7% tổng thu NSNN. Đặc biệt thu từ DNNN trong những tháng cuối năm có chuyển biến tích cực nên số thu của khu vực này tăng khá, vượt 15,2% dự toán, tăng 17% so với thực hiện năm 2008 và là năm thứ 2 liên tiếp thu vượt dự toán. Theo Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái, qua kiểm toán, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2009 cho thấy, 25/27 tập đoàn làm ăn có lãi, bảo toàn được vốn.
Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN |
Theo KTNN, phần lớn các đơn vị đã sử dụng ngân sách đúng quy định, các khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức năm 2009 đã giảm, xuống, còn 2.462,7 tỷ đồng (năm 2008 là 3.404,8 tỷ đồng). Tình trạng chi sai đối tượng, nội dung của các chương trình mục tiêu đã có chuyển biến, các sai phạm dần được khắc phục. Cụ thể như số chi chuyển nguồn sai quy định đã giảm nhiều so với năm 2008 (năm 2009 KTNN kiến nghị loại khỏi quyết toán 7,5 tỷ đồng, năm 2008 là 24,2 tỷ đồng).
Qua kiểm toán năm 2009, KTNN đánh giá, các đơn vị được kiểm toán cơ bản đã tuân thủ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Lãng phí: Vẫn chậm khắc phục
Tuy nhiên, theo Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái, bên cạnh các vấn đề quản lý thu, chi NSNN có chuyển biến vẫn còn nhiều vấn đề chậm được khắc phục. Ví dụ như về dự toán chi, dự toán một số nhiệm vụ chi được lập nhưng thiếu cơ sở, thuyết minh, việc giao dự toán cho một số đơn vị còn chậm, không giao hết kinh phí ngay từ đầu năm. Nhiều khoản chi lập và giao dự toán chưa sát yêu cầu nhiệm vụ nên khi thực hiện phải hủy dự toán, hoàn trả ngân sách hoặc chuyển nguồn sang năm sau. Điển hình của việc phân bổ và giao dự toán chậm là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế; Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ủy ban TW MTTQVN, Trung ương Hội LHPNVN... và những đơn vị giao dự toán nhiều lần trong năm như Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Liên minh HTXVN... Ngoài các khoản chuyển nguồn có lý do khách quan, các khoản chi chuyển nguồn do triển khai chậm vẫn còn lớn (năm 2009 là 27.044 tỷ đồng, trong khi năm 2008 là 26.464 tỷ đồng, còn năm 2007 chỉ là 23.078 tỷ đồng). Điều này, cho thấy còn nhiều nhiệm vụ chi được giao chưa hoàn thành trong năm làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN.
Theo ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ hiệm UB Kinh tế và Ngân sách Quốc hội, chuyển nguồn là số tiền mà các bộ, ngành, địa phương tiêu không hết phải chuyển sang năm sau. Đây là vấn đề nhức nhối vì ngân sách hạn hẹp, việc chi phải cân đối, căn kéo rà soát rất kỹ vậy mà vẫn còn hơn 100 nghìn tỉ đồng phải chuyển nguồn. Theo các địa phương, lý do “tiêu không hết là vì ngân sách chuyển về các địa phương, đơn vị bị chậm và được chuyển làm nhiều lần.
Bên cạnh việc lãng phí ngân sách nêu trên, KTNN còn cho biết có hiện tượng buông lỏng công tác giám sát, đánh giá đầu tư của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty. Tính đến tháng 3/2010, chỉ 40/63 tỉnh, thành; 10/30 bộ, ngành; 2/8 cơ quan thuộc Chính phủ; 13/19 tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91 có báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư năm 2009, bằng 54,2%, thấp hơn các năm trước (năm 2007 có 60,3%, năm 2008 là 84,3%).
Kiến nghị xử lý
Đợt kiểm toán năm 2010 niên độ 2009, KTNN triển khai kiểm toán báo cáo quyết toán của 16 bộ, cơ quan trung ương; 32 tỉnh, thành phố; 28 dự án đầu tư; 4 chương trình mục tiêu, dự án quốc gia; 4 chuyên đề; 28 tập đoàn, tổng công ty và các tổ chức tài chính ngân hàng; 17 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh; tỉnh ủy 10 tỉnh; Ban Cơ yếu Chính phủ; kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2009 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nguồn: Báo cáo kiểm toán 2010 niên độ 2009 của KTNN |
Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái khẳng định, đối với các sai phạm được KTNN phát hiện, các kiến nghị xử lý của KTNN là chặt chẽ và xác đáng. Ví dụ, tại Báo cáo kiểm toán năm 2010, KTNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật và có biện pháp thu hồi tiền, tài sản nhà nước tại Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam về việc giải ngân để mua 5 con tàu biển với số tiền 451 tỷ đồng nhưng đến nay chưa hình thành tài sản theo quy định trong hợp đồng và việc mua xe cẩu thủy lực 250 tấn với giá 65 tỷ đồng có dấu hiệu bất thường… cùng các sai phạm nghiêm trọng khác được nêu trong kết quả kiểm toán, làm tổn thất lớn về tiền và tài sản nhà nước.
Về tình hình thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính, KTNN cho biết, đến 31/3/2011 số thực hiện là 9.157,8/13.261,3 tỷ đồng, đạt 69,1% tổng số kiến nghị, tăng hơn so với kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2008 về niên độ ngân sách 2007 đạt 62%. Tỉ lệ khắc phục sai sót tài chính trong kiến nghị của KTNN đạt cao nhất là trong các chương trình, dự án, khối doanh nghiệp, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (tỉ lệ từ 76,6 – 98,4%), trong khi đó, khối các bộ, ngành, địa phương tỉ lệ khắc phục chỉ đạt 58 – 59%.
Báo cáo kiểm toán 2010 niên độ 2009 cũng cho biết, đã có 19 kiến nghị được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung gồm 1 nghị định, 4 quyết định, 6 thông tư, 5 công văn và 3 văn bản khác.
Xuân Hương