Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo. |
Tham dự có ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo của 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Khung đối tác quốc gia Việt Nam - Nhóm Ngân hàng Thế giới 2017 - 2022 (CPF) xoay quanh 3 lĩnh vực trọng tâm: tạo điều kiện tăng trưởng hòa nhập và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; đầu tư vào con người và tri thức; bảo đảm tính bền vững và sức đề kháng của môi trường. Theo đó, CPF sẽ tập trung vào các chuyển hướng chiến lược như hỗ trợ toàn diện nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân và sự tham gia của kinh tế tư nhân vào các ngành kinh tế; phấn đấu đảm bảo bền vững tài chính các dịch vụ công và các chính sách xã hội; hỗ trợ giảm nghèo nhóm dân tộc thiểu số nhờ các hoạt động tạo việc làm và thu nhập; hỗ trợ đa ngành nhằm tăng cường mối liên kết giữa giáo dục, đào tạo và thị trường lao động; thúc đẩy và khuyến khích sản xuất điện với mức phát thải các-bon thấp.
Với khung đối tác mới này, Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016 - 2021 của Việt Nam và mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bền vững môi trường, thúc đẩy bình đẳng, nâng cao năng lực, trách nhiệm giải trình các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, phát huy những hỗ trợ sẵn có của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; phối hợp, bổ trợ và huy động thêm các nguồn lực khác để phục vụ phát triển, nhất là các doanh nghiệp tư nhân.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ huy động tất cả các thể chế - Ngân hàng Thế giới - Tổ chức tài chính (IFC) - Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA) và các công cụ sẵn có nhằm tạo chuyển biến chiến lược như cho vay, đối thoại chính sách, phân tích, tư vấn hay bảo lãnh. Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình củng cố vị thế của một nước thu nhập trung bình và tạo tiền đề trở thành một nước thu nhập cao.
Tại hội thảo, lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá cao những định hướng chiến lược đã được đề ra trong Khung đối tác mới vì nó hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu bức thiết của các địa phương trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, tin tưởng rằng Chiến lược Khung đối tác quốc gia và những định hướng cụ thể trong giai đoạn tài khoá mới sẽ mang đến cơ hội phát triển mang tính thực chất và bền vững cho vùng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác vì một quốc gia ngày càng thịnh vượng, công bằng và bền vững.
Đa số các đại biểu cũng bày tỏ sự mong muốn hỗ trợ về phương án giải quyết vấn đề việc làm cho lực lượng lao động ở vùng nông thôn trước tác động ngược khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp thông minh; hỗ trợ về cơ chế, thủ tục giải ngân, quy trình tiếp cận nguồn vốn để tiếp tục các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, nước sạch... góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh, nối kết liên vùng thúc đẩy sự phát triển của khu vực.