'Cơn khát' sầu riêng của Trung Quốc: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam

Theo bài viết mới đây trên trang “Liên hợp buổi sáng”, trong nhiều năm qua, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc nhiều nhất và giữ vững vị thế thống trị trên thị trường sầu riêng này.

Tuy nhiên, hai năm qua, Việt Nam và Malaysia lần lượt được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi và dần thách thức vị thế của sầu riêng Thái Lan tại thị trường này.

Chú thích ảnh
Lô sầu riêng đầu tiên của TP Cần Thơ được xuất khẩu sang Trung Quốc ngày 17/3/2023. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Cơ hội chia đều cho Thái Lan, Việt Nam và Malaysia

Năm 2023, một lượng lớn sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung sầu riêng lớn thứ hai tại Trung Quốc. Cuối tháng 8/2024, sầu riêng Malaysia lần đầu tiên được gửi thẳng đến Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, sau đó được phân phối trên khắp Trung Quốc.

Sau khi đến thăm các cơ sở đóng gói và phân phối sầu riêng ở Thâm Quyến hồi cuối tháng Tám vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh Thực phẩm Malaysia, Mohamad Sabu đã đăng trên Facebook rằng mặc dù một quả sầu riêng Musang King được bán với giá lên tới 350 ringgit (84 USD), nhưng tất cả sầu riêng đã bán hết trong vòng vài giờ. Sầu riêng Musang King tươi đã có mặt tại các thành phố lớn ở Trung Quốc trong vòng 24 giờ sau khi hạ cạnh tại sân bay Trịnh Châu.

Trung Quốc đã nhập khẩu 1,43 triệu tấn, tương đương giá trị 6,7 tỷ USD, sầu riêng tươi vào năm 2023, 99,8% trong đó đến từ Thái Lan và Việt Nam. Malaysia hy vọng sẽ nối bước Thái Lan và Việt Nam trên chuyến tàu “xuất khẩu sầu riêng” sang Trung Quốc. Năm 2011, Malaysia bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc và tháng Sáu năm nay được phép xuất khẩu sầu riêng tươi.

Sầu riêng Malaysia khác với sầu riêng Thái Lan và Việt Nam. Sầu riêng Malaysia rụng tự nhiên sau khi chín trên cây, còn sầu riêng Thái Lan và Việt Nam được chín trong quá trình vận chuyển. Quá trình chín tự nhiên giúp sầu riêng Malaysia có hương vị đậm đà, thịt mềm hơn nhưng thời gian bảo quản ngắn hơn, đây là nhược điểm so với sầu riêng Thái Lan và Việt Nam.

Sầu riêng tươi từ Malaysia chỉ có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường hàng không và phải có chuỗi hậu cần lạnh hoàn chỉnh để đảm bảo sầu riêng tươi có thể được giao đến tay người tiêu dùng trong vòng 48 giờ sau khi có mặt tại Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, chuyến bay thuê chở sầu riêng của Malaysia bay thẳng từ Kuala Lumpur đến Trịnh Châu, sau đó được phân phối lần lượt đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hạ Môn, Thẩm Dương với toàn bộ dây chuyền phân phối lạnh. Do yêu cầu cao về thủ tục hải quan, Hải quan Sân bay Trịnh Châu đã thiết lập kênh xanh cho hàng hóa tươi sống trong chuỗi lạnh để đảm bảo việc kiểm nghiệm và kiểm dịch đạt tiêu chuẩn, đồng thời đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh chóng.

Dù lợi nhuận từ việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc rất lớn nhưng nhiều thương nhân Malaysia vẫn đang quan sát quy trình xuất khẩu và tính khả thi về mặt kỹ thuật. Ông Lai Weiting, cố vấn của Tập đoàn PHG Ever Fresh Food ở huyện Raub, Pahang, cho biết vẫn còn nhiều điều khó xác định trong việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Quy trình xuất khẩu sầu riêng đòi hỏi sự phối hợp giữa hải quan Malaysia và Trung Quốc để thông quan nhanh nhất có thể nhằm duy trì độ tươi. Lượng xuất khẩu phụ thuộc vào việc hãng hàng không có đủ chỗ hay không. Khi nhu cầu của Trung Quốc ổn định, các thương gia có thể xem xét thuê chuyến bay xuất khẩu sầu riêng.

Tập đoàn PHG Ever Fresh Food đã kinh doanh sầu riêng hơn 30 năm và là nhà máy chế biến và xuất khẩu sầu riêng lớn nhất ở Malaysia. Công ty đã xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ năm 2017 và hiện có kế hoạch xuất khẩu sầu riêng tươi. Malaysia xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc vào cuối tháng 8/2024, thời điểm đã kết thúc vụ thu hoạch nên các nhà xuất khẩu đang chờ xem lô sầu riêng tươi đầu tiên sẽ được đón nhận như thế nào tại thị trường Trung Quốc và tính toán năm 2025 mới xuất khẩu số lượng lớn. Ông Lai Weiting khuyến cáo các thương gia không nên hy sinh chất lượng sầu riêng vì lợi nhuận mà phải kiên trì để sầu riêng chín tự nhiên và duy trì sự đặc sắc của sầu riêng Malaysia, bởi nếu xuất khẩu đại trà thì không thể so sánh với sầu riêng của Thái Lan và Việt Nam, vì hai nước này có vị trí địa lý tốt hơn và sản xuất nhiều sầu riêng hơn.

Sầu riêng Musang King của Malaysia rất được săn đón ở Trung Quốc. Hai năm trước, sầu riêng Musang King đã thu hút người mua Thái Lan đến Malaysia để thu hoạch Musang King chưa chín, sau đó bán cho Trung Quốc với tên gọi "Vua Musang Thái Lan". Chính phủ Thái Lan đã cấm các thương nhân Thái Lan làm điều này vào năm ngoái và cũng cấm nhập khẩu sầu riêng Malaysia để bảo vệ lợi ích của ngành sầu riêng trong nước. Vụ việc này cũng khiến Malaysia đẩy nhanh đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng tươi.

Lô sầu riêng Musang King đầu tiên tại Trung Quốc có giá bán lẻ cao gấp đôi ở Malaysia. Một người bán sầu riêng ở bang Selangor (Malaysia) cho biết người Trung Quốc có sức chi tiêu mạnh và các nhà xuất khẩu thường xuất khẩu sầu riêng với loại cao cấp nhất và chất lượng tốt nhất. Sầu riêng mà người Malaysia ăn có thể bị hạ cấp trong tương lai. Khách hàng có thể mua được quả Musang King loại A với mức giá hiện tại, nhưng trong tương lai có thể chỉ mua được quả loại B.

Theo “Sin Chew Daily”, giá bán lẻ lô sầu riêng Musang King đầu tiên ở Trung Quốc đắt gấp đôi ở Malaysia. Tại Malaysia, Musang King có giá bán lẻ khoảng 40 ringgit (9,63 USD)/kg; tại một sự kiện nếm sầu riêng ở siêu thị ở Trịnh Châu, giá bán lẻ 500g sầu riêng Musang King là 99 NDT (khoảng 60 ringgit).

Ông Huang Jingxing, người điều hành các quầy bán sầu riêng ở Ghim Moh và Jalan Besar tại Singapore, cho biết giá sầu riêng đang phụ thuộc vào cung cầu. Nếu Malaysia xuất khẩu sang Trung Quốc với quy mô lớn, người Singapore có thể phải ăn sầu riêng với giá đắt hơn. Tuy nhiên, ông Huang Jingxing cho rằng xuất khẩu sầu riêng của Malaysia sang Singapore có lợi thế hơn xuất khẩu sang Trung Quốc. Sầu riêng Malaysia chỉ có thời hạn sử dụng 2 ngày kể từ khi chín đến khi bán cho người tiêu dùng. Do vậy, xuất khẩu sang Trung Quốc là thách thức lớn hơn.

Ông Li Guixiang, người điều hành doanh nghiệp thu hoạch sầu riêng ở huyện Raub, cho rằng sầu riêng tươi của Malaysia được phép xuất khẩu sang Trung Quốc và sẽ ít ảnh hưởng đến Singapore. Giá bán và số lượng sầu riêng tại Singapore sẽ không bị ảnh hưởng lớn, vì lợi nhuận xuất khẩu sang Singapore vốn đã tương đối cao và đây là thị trường quen thuộc, quy trình tương đối đơn giản và phí vận chuyển tương đối rẻ.

Ông Lai Weiting nhận định rằng giá sầu riêng sẽ không biến động lớn do công nghệ trồng sầu riêng đã được cải tiến, diện tích trồng và sản lượng đều tăng lên hàng năm, xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc chỉ là thêm một kênh bán hàng, khi sản lượng tăng, giá cũng sẽ cân bằng. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp trong ngành sầu riêng Malaysia làm quen với thị trường Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian và ngay cả bây giờ, Singapore chỉ là một thị trường nhỏ đối với các doanh nghiệp ngành sầu riêng Malaysia và họ sẽ chú ý nhiều hơn đến thị trường Trung Quốc khổng lồ.

Lợi thế và thách thức đối với sầu riêng Việt Nam

Tháng 7/2022, sầu riêng tươi của Việt Nam bắt đầu được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ chưa đầy hai năm, Việt Nam đã trở thành nguồn cung sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc, thậm chí còn đặt mục tiêu vượt Thái Lan. Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu khi có sầu riêng thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, khi xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc thì các yếu tố lợi thế về chi phí logistics và vị trí địa lý gần sẽ bị loại bỏ so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Malaysia.

Chú thích ảnh
Chuyến hàng sầu riêng đầu tiên của Đắk Lắk, Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN

Theo số liệu chính thức của Malaysia, xuất khẩu sầu riêng của Malaysia đạt 5,17 tỷ ringgit (1,24 tỷ USD) trong giai đoạn từ năm 2017 - 2023, trong đó Trung Quốc chiếm 73%, Singapore và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) xếp thứ hai và thứ ba với tỷ trọng lần lượt là 8% và 6%.

Theo mạng tin “Kinh tế Trung Quốc”, Trung Quốc đã nhập khẩu 825.000 tấn sầu riêng tươi vào năm 2022, khoảng 95% trong số đó đến từ Thái Lan. Năm 2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng 70% lên 1,426 triệu tấn, trong đó 65,2% đến từ Thái Lan và Việt Nam đóng góp 34,6%, thu được 2,3 tỷ USD. Bảy tháng kể từ đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
     
Sự tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu sầu riêng Việt Nam từng đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và trở thành nhà cung cấp số 1 của thị trường sầu riêng Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, hai tháng đầu năm nay, Việt Nam đã vượt Thái Lan, khi chiếm 62% tổng lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Thái Lan bước vào mùa thu hoạch sầu riêng vào quý II/2024, nước này đã lấy lại vị thế thống trị tại thị trường Trung Quốc. Mặc dù vậy, vẫn còn hy vọng cho Việt Nam, do mùa thu hoạch sầu riêng Thái Lan thường kết thúc vào tháng 10 và Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống.

So với Thái Lan và Malaysia, trồng sầu riêng ở Việt Nam có nhiều thuận lợi.  Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sầu riêng ở Việt Nam có thể được thu hoạch vào bất kỳ mùa nào nên năng suất cao hơn. Mùa thu hoạch của một số nước sản xuất sầu riêng lớn khác đều tập trung vào một vài tháng trong năm.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho “Liên hợp buổi sáng”, ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH-XNK Phương Ngọc Cái Bè ở tỉnh Tiền Giang, cho biết Việt Nam có thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt phù hợp cho cây sầu riêng, điều này đã thúc đẩy ngành trồng sầu riêng phát triển. Đất đỏ bazan ở độ cao 800 m đến 1.000 m ở Tây Nguyên thích hợp trồng sầu riêng Durio, tầng trầm tích vùng đồng bằng sông Cửu Long rất thích hợp cho sầu riêng Ri6.    

Ngoài ra, sầu riêng Việt Nam còn hơn Thái Lan về khâu hậu cần, vận chuyển. Chỉ mất 36 giờ để sầu riêng Việt Nam đến Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị, trong khi sầu riêng Thái Lan có thể mất ít nhất 3-4 ngày. Ông Võ Tấn Lợi cho rằng nhờ vị trí địa lý liền kề nên lợi thế lớn nhất của Việt Nam nằm ở logistics và vận tải, có biên giới đất liền với Trung Quốc giúp Việt Nam vận chuyển sầu riêng bằng xe tải hoặc tàu hỏa nhanh hơn và rẻ hơn.

Hồi tháng 7/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã yêu cầu chính quyền địa phương rà soát diện tích trồng sầu riêng, tập trung và điều phối quy hoạch, phát triển các cơ sở trồng sầu riêng chuyên nghiệp, thúc đẩy sản xuất cơ giới hóa và đầu tư bổ sung vào ngành công nghiệp đóng gói và chế biến sầu riêng.

Ông Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kêu gọi các bên tham gia chuỗi ngành sầu riêng Việt Nam chú ý hơn đến các yêu cầu pháp lý của Trung Quốc, tiêu chuẩn của Trung Quốc đối với trái cây nhập khẩu ngày càng khắt khe. Các bên liên quan tại Việt Nam cần tăng cường quản lý vùng trồng sầu riêng và nhà máy đóng gói để đảm bảo sầu riêng có giá hợp lý, an toàn, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Mạc Luyện (P/v TTXVN tại Hong Kong)
Xuất khẩu sầu riêng bứt phá
Xuất khẩu sầu riêng bứt phá

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng trưởng bứt phá, vượt qua thanh long, vươn lên vị trí số 1 trong năm 2023. Đây là thông tin được Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin tại Hội nghị liên kết và xúc tiến, tiêu thụ cây ăn trái tỉnh An Giang 2024 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tổ chức ngày 24/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN