Do ảnh hưởng của dịch bệnh kèm theo xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2015 từng được cảnh báo sẽ giảm 17% so với năm trước. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu tôm sẽ có diễn biến khả quan.
Giảm mạnh tại các thị trường lớn
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu tôm cả nước trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1,2 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2014. Do tôm là mặt hàng chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản nên xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng bị sụt giảm đáng kể.
Các hiệp định thương mại tự do được ký kết tạo thêm cơ hội cho xuất khẩu tôm. |
Trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, tôm chân trắng và tôm sú nguyên liệu đông lạnh vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 741 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ; tôm sú đạt 412 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ 2014. Tại ba thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật Bản có sự sụt giảm khá lớn. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh nhất gần 50% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 21% và EU giảm 17%.
Phân tích nguyên nhân, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, do nguồn cung từ các nước trong khu vực tăng khiến giá tôm nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu sản xuất trong nước lại có giá thành cao hơn so với các nước trong khu vực nên giảm sức cạnh tranh về giá.
Bên cạnh đó, các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan và biến động tỷ giá ngoại tệ cũng làm ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam. Hơn nữa, tại Mỹ, lượng hàng tồn kho nhập khẩu trong năm 2014 vẫn còn ở mức cao và tôm Việt Nam vẫn phải chịu đánh thuế chống bán phá giá.
Tín hiệu khả quan
Mặc dù tình hình những tháng đầu năm khá ảm đạm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, xuất khẩu tôm đang có một số tín hiệu khả quan.
Cụ thể, cuối tháng 6 vừa qua, sản lượng tôm của Ấn Độ giảm, nguồn cung của Indonesia không đạt như kế hoạch, sản lượng tôm của Thái Lan mặc dù được dự báo tăng mạnh trong năm nay nhưng trên thực tế chỉ gần bằng năm ngoái… Đồng thời, mùa thu hoạch tôm ở các nguồn cung này hiện đã kết thúc trong khi các nước nhập khẩu chính lại đang vào mùa tiêu dùng. Đây sẽ là cơ hội để tôm Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Giá tôm có thể tăng từ 5 - 10%.
Theo các chuyên gia, một số các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các quốc gia nhập khẩu thủy sản tiềm năng đã được ký kết như Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu... sẽ là cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu tôm. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD tăng thêm 1%. Điều này cũng là một trong những tín hiệu giúp xuất khẩu thủy sản nói chung có động lực hồi phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội này, doanh nghiệp xuất khẩu cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu tôm trong thời gian tới, VASEP kiến nghị Nhà nước nghiên cứu và có các chính sách cụ thể nhằm giúp hạ giá thành sản xuất tôm trong nước để tăng sức cạnh tranh của mặt hàng này ở các thị trường. Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét có những chính sách linh hoạt về tỷ giá, lãi suất hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ người nuôi tôm phù hợp với biến động của thị trường hàng hóa thế giới.