Cơ hội trong khó khăn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 năm 2020 ước đạt 800 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng năm 2020, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Anh (+17,8%).
Các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, thủy sản Việt Nam đang giảm sức cạnh tranh khi các quốc gia khác như Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc cũng mở rộng diện tích nuôi cá, tự cung ứng nguồn nguyên liệu trong nước, thậm chí phục vụ cho xuất khẩu làm tăng khả năng cạnh tranh đối với cá tra Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản Việt Nam còn gặp rủi ro từ nguồn nguyên liệu đầu vào. Biến động giá nguyên vật liệu đầu vào sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới giá bán của doanh nghiệp thủy sản. Các thị trường như Mỹ hay châu Âu cũng yêu cầu về chất lượng thủy sản vì vậy nguyên liệu đầu vào cũng ảnh hưởng lớn tới chất lượng thủy sản.
Với Hiệp định EVFTA, những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam là các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn.
Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA (Hiệp định thương mại tự do). Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Tuy nhiên, về mặt thuận lợi, thủy sản Việt Nam có nền tảng và những cơ hội cho sức bật mới. Theo CSI, Việt Nam với hệ thống sông ngòi dày đặc và có đường biển dài rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm.
Với chủ trương thúc đẩy phát triển ngành thủy sản của Chính phủ, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước tiến mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước.
Ngành thủy sản Việt Nam có những lợi thế như nguồn nguyên liệu lớn và ổn định; có tiềm năng lớn phát triển diện tích nuôi biển, nuôi sinh thái các giống loài thủy hải sản tạo nguồn cung lớn.
Các sản phẩm thủy sản đa dạng, phong phú nên tiềm năng nâng cao giá trị gia tăng còn lớn và khả năng đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu thủy sản.
Ngành thủy sản còn có ưu thế về sản lượng tôm sú và có thị phần tuyệt đối về cá tra; lực lượng lao động lớn; có tới 160 thị trường ở 5 châu lục, doanh số xuất khẩu tập trung chủ yếu ở 3 thị trường lớn là EU, Mỹ, Nhật Bản; công nghệ chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu quốc tế.
Bên cạnh đó, việc Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực 1/8/2020 sẽ là cơ hội lớn mở ra dành cho các doanh nghiệp ngành thủy sản. Hiện mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế lên đến 10,8%.
EVFTA có hiệu lực, mức cắt giảm thuế về 0% tương ứng với 90% số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này. Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mặt hàng mặt hàng thủy sản sẽ tạo lợi thế quan trọng cho Việt Nam khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường.
Thực tế, xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 8 tăng khoảng 10% về đơn hàng so với tháng 7/2020; trong đó, mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm, mực, cá ngừ…
Kết quả mở màn về sự tăng trưởng vượt bậc một số mặt hàng thủy sản tại thị trường EU gần đây đã cho thấy Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đang tạo ra sức bật mới cho thủy sản Việt Nam.
EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản. Thị trường này luôn chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 - 35%.
Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Ấn Độ, Thái Lan…
Cổ phiếu “nổi sóng”
Trước những kỳ vọng mới, cổ phiếu ngành thủy sản trên sàn chứng khoán tăng trưởng rất tích cực, kể cả đối với những công ty có kết quả kinh doanh đi xuống thì giá cổ phiếu vẫn đi lên.
Đơn cử, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn với mã chứng khoán là VHC đang giao dịch trên HOSE có kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2020 sụt giảm, nhưng thị giá cổ phiếu lại đi lên.
Theo đó, lũy kế nửa đầu năm 2020, VHC đạt 3.308 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận đạt 367,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và hơn 49,5% so với nửa đầu năm ngoái. Nguyên nhân chính vẫn là do việc giảm giá hàng bán do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.
Năm 2020, VHC dự kiến hai kịch bản kinh doanh; trong đó, nếu theo kịch bản thấp doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm 18% và 32%, theo kịch bản cao doanh thu sẽ tăng 9,3% và lãi ròng giảm 10%.
Tuy nhiên, VHC cũng được nhận định là có nhiều triển vọng tăng giá trị xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của VHC, năm 2019, chiếm khoảng 12% tổng giá trị xuất khẩu. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế suất của các mặt hàng cá tra sẽ giảm dần về 0% sau 3 năm Hiệp định có hiệu lực, đây sẽ là yếu tố thuận lợi dành cho doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu VHC có giá 42.800 đồng, tăng hơn 10% kể từ đầu năm.
Tiếp đến phải kể đến cổ phiếu CMX của Công ty cổ phần Camimex Group tăng gần 17%, trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế giảm mạnh. Theo báo cáo tài chính soát xét công ty mẹ 6 tháng năm 2020 của doanh nghiệp. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng năm 2020 chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng, giảm tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chỉ đạt hơn 258 triệu đồng, giảm tới 84,8%.
Ở chiều ngược lại, vẫn có những doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh và đạt được kết quả kinh doanh rất tích cực với lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có mã chứng khoán MPC đang giao dịch trên UpCOM là một ví dụ. Lũy kế nửa đầu năm, MPC ghi nhận doanh thu giảm 26% xuống 5.580 tỷ đồng, nhưng lãi ròng tăng 51% lên 236 tỷ đồng.
MPC là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nuôi tôm, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ tôm. Hiện tại, công ty đang sở hữu 2 vùng nuôi với diện tích tổng 900 ha và 2 nhà máy chế biến tôm với tổng công suất thiết kế lên tới 76.000 tấn/năm.
MPC đang dần tự chủ và nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu. Hiện tại, MPC đang dần thay thế các khu vực nuôi truyền thống bằng công nghệ 2-3-4 bởi sản lượng thu từ công nghệ mới cao gấp 15 lần so với phương pháp cũ.
Ngoài ra, MPC cũng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và chuyển đổi số với Công ty cổ phần FPT với mục đích nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu.
CSI nhận định, MPC được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA khi thuế tôm nguyên liệu và sản phẩm tôm được giảm mạnh từ mức 12,5% và 20% xuống còn 0%. Hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu của MPC vào EU là 11%. Giá trị xuất khẩu của MPC sang EU trong năm 2020 tăng từ 5-10% so với cùng kỳ sau khi Hiệp định có hiệu lực và dịch bệnh COVID-19 tại EU được kiểm soát tốt vào cuối năm.
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực cùng với những kỳ vọng mới này nên cổ phiếu MPC tăng rất mạnh. Theo đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, MPC có giá 31.100 đồng/cổ phiếu, tăng tới 50,24% kể từ đầu năm.
Một cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng khác là SEA của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – CTCP, tăng tới gần 82%.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh bán niên năm 2020 đã soát xét của của SEA, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp đạt hơn 71,6 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 34,8 tỷ đồng, tương ứng mức tăng lần lượt là 14,7% và 68,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay như phiếu FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta tăng gần 29%. Theo FMC, doanh thu lũy kế 8 tháng của công ty đạt 120,6 triệu USD, bằng khoảng 2.774 tỷ đồng, tăng 12.5% so cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ chung của ngành tôm khoảng 8%.
Như vậy có thể thấy rằng, thủy sản là một trong những nhóm ngành đang có diễn biến tích cực nhất trên thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp thì những kỳ vọng mới về kết quả kinh doanh ngành thủy sản và tăng trưởng của cổ phiếu ngành này có thể góp phần giúp thị trường chứng khoán thêm phần sôi động.