Cơ hội đan xen thách thức lớn
Năm 2025, để đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức cao là 8%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 12% so với năm 2024. Chia sẻ về những khó khăn và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu hàng hoá năm 2025, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, khi chuỗi cung ứng thế giới thay đổi, đây là cơ hội cho Việt Nam nắm bắt được những xu hướng như: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Đây cũng là xu hướng Việt Nam nắm bắt tốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định CPTPP đã và đang phát huy hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rào cản thuế quan. Những FTA này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu, mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng nhập khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại từ các quốc gia đối tác.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nền tảng xuất khẩu từ năm 2024, đặc biệt là việc ký kết và thực thi nhiều FTA, sẽ là động lực mạnh mẽ cho năm 2025.
Bên cạnh tận dụng các FTA, thời gian qua, việc cải thiện hạ tầng logistics và ứng dụng công nghệ trong xuất, nhập khẩu tiếp tục là một yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả giao thương. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng áp dụng công nghệ số trong việc quản lý kho, vận chuyển, và làm thủ tục hải quan. Từ đó, nâng cao hiệu suất và giảm thời gian thông quan, tăng tính hiệu quả của hoạt động xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% là thách thức, trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải tăng 4 tỷ USD so với mức bình quân tháng năm 2024.
Nêu một số tác động tới hoạt động xuất khẩu năm 2025, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, khủng hoảng tại Trung Đông đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng; xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn; các thị trường phát triển như EU đưa ra yêu cầu mới về phát triển bền vững...
Trong xu thế đó, Việt Nam là một trong những nước có độ mở nền kinh tế thuộc loại cao nhất, phụ thuộc nhiều vào thương mại, đầu tư quốc tế thì thách thức đối với kinh tế Việt Nam đặt ra trong năm 2025. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập theo hướng đáp ứng “luật chơi” chung của toàn cầu và nền tảng là tham gia WTO với một quy tắc chung áp dụng cho tất cả các nước, đây là những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua.
Mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng vẫn có khả năng đạt được
Nhiều doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu lạc quan cho xuất khẩu năm 2025. Đơn cử, năm 2025, ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, để đạt mục tiêu này, thời gian tới, ngành da giày vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp tăng doanh thu...
Sau đó, từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… Các doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như: Alibaba, Amazon… nhằm mở thêm kênh tiêu thụ. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm sau có thể đạt 45,5 - 46 tỷ USD, tăng 5 - 6% so với mức 43,5 tỷ USD của năm nay.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, năm 2025, xuất khẩu hàng hoá sẽ còn đối diện với những biến động thất thường của tình hình thế giới, song Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định, ngành Công Thương cần sự triển khai đồng bộ các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của cộng động doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định; tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.