Cơ hội để ngành hàng không “cất cánh”

Việc mở cửa thị trường hàng không ASEAN từ cuối năm 2015 sẽ giúp cho người dân thêm nhiều lựa chọn hơn khi có nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, ngành hàng không các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam cũng có thêm nhiều sức ép cạnh tranh.

Thêm cơ hội mở rộng mạng lưới

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Lại Xuân Thanh, việc mở cửa bầu trời theo Hiệp định Tự do hóa vận tải hành khách giữa các nước ASEAN ký ngày 12/11/2010 đã có hiệu lực giữa các nước phê chuẩn hiệp định này từ cuối năm 2015. Mở cửa bầu trời được xác định là một phần quan trọng trong hội nhập kinh tế của nước ta, bởi việc liên kết giao thông, nhất là hàng không, sẽ tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy du lịch, đồng thời giúp ngành hàng không quốc gia tăng tính cạnh tranh và có thêm cơ hội tìm kiếm thị trường mới.

Hàng không Việt Nam chủ động hội nhập.


Đơn cử như, trước khi tham gia mở của thị trường hàng không, các quốc gia trong khu vực bị giới hạn các chuyến bay đến Việt Nam và ngược lại, thì bây giờ giới hạn này đã được xóa bỏ. Hiện nay, hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) có thể chở khách trên cả các tuyến như Singapore - Phillipines hay tìm kiếm các thị trường khu vực mới.

Đại diện các hàng hàng không như Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar đều có đánh giá rằng, việc mở cửa bầu trời ASEAN là một bước ngoặt đối với ngành hàng không. Đây là cơ hội để các hãng hàng không Việt Nam mở rộng phát triển mạng lưới đường bay đến các nước trong khu vực. Khi đó, việc kết nối giữa các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, nhờ những cam kết của các chính phủ trong thực hiện thỏa thuận mở cửa bầu trời.

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không cũng lưu ý rằng: Khi các hãng đều tăng tần suất chuyến bay hoặc một đường bay có nhiều hãng mở, thì việc phải đối mặt với khó khăn trong việc xin giờ cất/hạ cánh tại các sân bay quốc tế do mật độ khai thác tăng lên cao là điều không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng sân bay của Việt Nam chưa hoàn thiện, sẽ dễ dẫn đến ách tắc và gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến nhiều hơn. Vì vậy, ngành hàng không phải chú trọng cải thiện vấn đề này.

Theo lãnh đạo Vietjet, mở cửa bầu trời hàng không ASEAN là cơ hội lớn để phát triển và Vietjet đang triển khai kiện toàn nhân sự, đội tàu bay, năng lực quản trị vận hành, khả năng tài chính để thực hiện cơ hội này, song đây cũng là thách thức không nhỏ với một hãng hàng không trẻ. “Các hãng hàng không trong nước đều phải đặt ra lộ trình, vì năng lực cạnh tranh của các hãng thực tế không cao so với khu vực, chưa nói đến thế giới. Chính phủ đã có nghị quyết rõ ràng về yêu cầu phải mở cửa bầu trời và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng để các hãng có động lực cạnh tranh”, ông Lại Xuân Thanh cho hay.

Chủ động hội nhập

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, để nắm bắt được cơ hội từ mở cửa thị trường hàng không, hàng không Việt Nam sẽ phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ để đáp ứng các tiêu chuẩn mới về mở cửa thị trường hàng không.

Vietnam Airlines hiện đã chuẩn bị cho tiến trình mở cửa bầu trời thông qua việc nâng cấp tổng thể chất lượng dịch vụ mặt đất và trên không theo tiêu chuẩn quốc tế từ mức 3 sao lên 4 sao. Song song với đó là đầu tư đội máy bay hiện đại, tiến tới thay thế toàn bộ đội tàu bay thân rộng với 33 chiếc, trong đó có 19 chiếc Boeing 787 Dreamliner và 14 chiếc Airbus A350-900XWB (bao gồm cả mua và thuê), được chuyển giao dần trong vòng hơn 3 năm từ giữa 2015 đến đầu năm 2019.

Vietjet cũng đã và đang đầu tư mạnh đội bay. Bên cạnh hợp đồng thuê, mua 100 tàu bay với Airbus, Vietjet đã ký hợp đồng đặt mua thêm 6 tàu bay A321, nâng tổng số đội tàu bay đặt mua lên 107 chiếc và triển khai hàng loạt hoạt động hợp tác, ký kết với các nhà sản xuất và cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật hàng đầu thế giới.

Tương tự, Jetstar Pacific cũng đón đầu xu hướng bằng việc chuyển đổi sang khai thác hoàn toàn bằng dòng máy bay Airbus A320/A321 hiện đại, tăng số lượng máy bay, mở các đường bay quốc tế trong khu vực, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối mạng bay liên tục mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ và cung cấp nhiều tiện ích thuận lợi với giá vé rẻ hợp lý cho khách hàng.

Với sự chủ động đi trước đón đầu của các hãng hàng không quốc gia, có thể thấy rõ, cái lợi nhất là người dân có nhiều cơ hội lựa chọn bay, được sử dụng chất lượng dịch vụ tốt hơn, với nhiều mức giá phù hợp, mà trước đây còn phải “cân nhắc”. Khi các nước mở cửa bầu trời, số lượng tần suất bay được gia tăng, nhiều đường bay mới được mở. Đơn cử như đường bay Việt Nam - Singapore hiện có rất nhiều hãng hàng không đang khai thác như Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, Singapore Airlines, Jetstar Asia, Silk Air, Tiger Air… với tổng số hơn 20 chuyến bay/ngày, bao gồm cả dịch vụ đầy đủ và dịch vụ tối thiểu, cả giá cao và giá rẻ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân các nước.
Tiến Hiếu
Jetstar Pacific là hãng hàng không giá rẻ tốt năm 2015
Jetstar Pacific là hãng hàng không giá rẻ tốt năm 2015

Đây là kết quả bình chọn được công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN