Cơ hội bứt phá cho cá tra - Bài 1: Phục hồi xuất khẩu

Dịch COVID-19 bùng phát những tháng đầu năm 2020 đã và đang tác động xấu đến kinh tế toàn cầu do các nước hạn chế xuất, nhập khẩu qua biên giới.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi cá tra theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp tại huyện Chợ Mới (An Giang). Ảnh: TTXVN

Từ đó, xuất khẩu cá tra của Việt Nam bị ảnh hưởng, nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực bị đóng băng. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm mạnh ở nhiều thị trường, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia đây chỉ là khó khăn nhất thời và sẽ nhanh chóng phục hồi, tăng tốc sau khi các nước khống chế được dịch bệnh. Qua đó, mở ra cơ hội vàng cho ngành cá tra tăng trưởng, chiếm lĩnh thị trường nếu chuẩn bị sẵn kịch bản sản xuất.

Bài 1. Phục hồi xuất khẩu

Xuất khẩu cá tra đang gặp khó do dịch bệnh COVID-19 thì Đồng bằng sông Cửu Long vùng nuôi cá tra lớn nhất nước bị thiệt hại kép do hạn mặn. Tuy gặp cùng lúc nhiều bất lợi, nhưng những gián đoạn trong chuỗi cung ứng chỉ mang tính nhất thời và các hoạt động xuất nhập khẩu cá tra của Việt Nam dự kiến sẽ tăng tốc khi dịch COVID-19 được các nước kiểm soát.

Xuất khẩu gặp khó

Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, đầu năm 2020, diễn biến của dịch COVID-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu ngành hàng cá tra Việt Nam. Qua số liệu thống kê cho thấy, đến hết quý I/2020 , diện tích nuôi mới cá tra cả nước gần 800 ha, giảm 5,7 % so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thu hoạch trên 600 ha, giảm 20,8 %; sản lượng đạt gần 180 nghìn tấn, giảm 23,6 %; giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp khoảng 18.000 đồng/kg.

Báo cáo của Tổng Cục Thuỷ sản cho thấy: Các tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu. Đây cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá nên ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam. An Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh có lượng cá tra xuất khẩu lớn nhất cả nước, bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên xuất khẩu cá tra của 2 tỉnh cũng gặp khó khăn.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: Trong 4 tháng đầu năm 2020 tình hình dịch lan rộng toàn cầu tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi thương phẩm và xuất khẩu cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng. Nguyên nhân do các thị trường truyền thống như: Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc giảm đơn hàng nhập khẩu sản phẩm cá tra từ 20 - 40% sản lượng, việc này gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành cá tra thời gian qua.

“Do ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động thu mua của doanh nghiệp giảm, các hộ nuôi không ký hợp đồng được với doanh nghiệp dẫn đến mùa vụ nuôi kéo dài và tồn động lượng cá quá size thu hoạch”, ông Thư thông tin.

Dịch COVID-19 đã khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra trong những tháng đầu năm 2020 đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh. Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân cho biết: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sụt giảm mạnh ở một số thị trường trọng điểm. So với cùng kỳ năm 2019, trong 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 48%; sang EU giảm 47,3%  và sang Mỹ giảm 19,8%.

“Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phụ thuộc vào các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn, đã tác động ngay tới sản xuất cá tra nguyên liệu”, ông Luân cho biết.

Theo Tổng Cục Thuỷ sản, trong 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 334 triệu USD, giảm 29,3 % so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng ngành hàng cá tra chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng về xuất khẩu theo kế hoạch.

Ngoài ra, hạn mặn xảy ra tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng tác động đến ngành hàng này. Hiện giá cá tra nguyên liệu chỉ ở mức 18.500 đồng/kg đến 19.000 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp chỉ ưu tiên thu mua cá trong chuỗi liên kết hoặc cá của doanh nghiệp.

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: Dịch COVID-19 đã tác động hết sức nặng nề cả về sản xuất, chế biến lẫn xuất khẩu đối với ngành cá tra trong nước.

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (An Giang). Ảnh: TTXVN

“Thời gian qua có 20 đến 40% số đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đã ký bị đối tác nhập khẩu cá tra ở EU và Trung Quốc yêu cầu hoãn và hủy; riêng những đối tác ở thị trường Mỹ cũng có yêu cầu hoãn và hủy đơn hàng nhưng ít hơn so với Trung Quốc và EU”, bà Lan thông tin.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, ông Doãn Tới cho biết: Dịch COVID-19 khiến việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu cá tra qua Mỹ, EU, châu Á gặp nhiều khó khăn. Cùng kỳ năm trước, các hợp đồng xuất khẩu cá tra qua các thị trường này rất nhiều, nhưng hiện nay hợp đồng xuất khẩu rất hạn chế.

Phục hồi sau dịch

Trước khó khăn của ngành hàng cá tra, Hiệp hội cá Tra Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ giảm, giãn nợ, kéo dài thời gian nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp; đề ra các giải pháp hỗ trợ hộ nuôi, doanh nghiệp ngành hàng cá tra trong thời gian có dịch và sau dịch. Mặt khác, Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi cho doanh nghiệp, hộ nuôi trong xúc tiến thị trường trong nước, khôi phục thị trường nước ngoài.

Dự báo năm 2020, sản lượng nuôi cá tra cả nước dự kiến đạt 1,42 triệu tấn. Diện tích nuôi lũy kế dự kiến đạt 6.600 ha. Chỉ tiêu tăng trưởng ngành thủy sản năm 2020 dự kiến đạt 10 tỷ USD; trong đó bao gồm tôm, cá tra, hải sản.

Xuất khẩu cá tra đang gặp khó, các tỉnh như: Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…cũng bị thiệt hại kép do hạn mặn, nên tác động tiêu cực đến ngành hàng cá tra. Tuy gặp thiệt hại kép, nhưng theo dự báo của Tổng Cục Thuỷ sản, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 chỉ mang tính nhất thời và các hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến sẽ phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản cho biết: Dịch bệnh đã được Trung Quốc kiểm soát, hoạt động giao thương đang bắt đầu hồi phục và lượng hàng tồn kho ở một số quốc gia nhập khẩu cá tra chính của Việt Nam hiện đang ở mức thấp. Ông Luân lạc quan cho rằng: Khó khăn chỉ mang tính nhất thời và ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý III năm 2020 và riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5/2020.

“Với tình hình rất khả quan, các tỉnh, thành và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có kịch bản điều tiết sản xuất để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trong thời gian tới”, ông Luân cảnh báo.

Tổng Cục Thuỷ sản cũng nhận định: Dân số Ấn Độ hiện trên 1,3 tỷ người và dự kiến trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027. Sản lượng nuôi cá tra của Ấn Độ tăng liên tục từ khi cá tra bắt đầu được nhập về nuôi tại Ấn Độ năm 1995 và đến năm 2018 đạt 0,85 triệu tấn. Đây có thể là một thị trường tiềm năng của ngành hàng cá tra Việt Nam đẩy mạnh xuất vào Ấn Độ trong thời gian tới.

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng: Trong những ngày đầu của tháng 4/2020, cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 300 container và cả tháng 4 dự báo có khoảng 900-1.000 container cá tra được xuất qua Trung Quốc. Việc hàng trăm container cá tra đã vào Trung Quốc có thể khẳng định thị trường này đang dần phục hồi trở lại sau dịch bệnh.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng: Trung Quốc được xem là thị trường lớn và có tốc độ tăng trưởng ổn định của ngành cá tra Việt Nam trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên 3 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này sụt giảm trên 50% vì ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp điêu đứng, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào thị trường này.

“Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đã khống chế tốt dịch bệnh COVID-19 đã giúp cá tra Việt Nam bắt đầu xuất khẩu trở lại thị trường này vào giữa tháng 4/2020. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Hòe nhận định./.

Bài 2. Cơ hội vàng cho cá tra Việt

TTXVN/Báo Tin tức
Thông tin tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa hậu COVID-19
Thông tin tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa hậu COVID-19

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 đến ngày 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN