Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tính đến ngày 15/4, ngành đường sắt đã tổ chức vận chuyển hơn 10.000 khách đi trên các đoàn tàu khách chạy qua khu vực ga Tuy Hòa đến ga Giã bằng ô tô và tiếp tục vận chuyển hành khách trên cung đường này trong những ngày tới cho đến khi thông tàu trở lại. Đồng thời, cung cấp suất ăn, nước uống miễn phí...
Trong trường hợp hành khách không muốn đi bằng đường bộ hoặc do tàu chậm giờ trong thời gian này, hành khách muốn trả lại vé tàu ngành đường sắt cũng không thu phí phát sinh.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Ngành đường sắt sẽ tiếp tục tổ chức chạy tàu khách theo kế hoạch đã bán vé hành khách, kết hợp với việc nâng cao chất lượng tổ chức chuyển tải hành khách.
Bên cạnh đó, tàu hàng từ Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ tạm ngừng đưa hàng đi cho tới khi khắc phục xong sự cố, tránh ùn ứ hàng hóa.
Đối 77 đoàn tàu hàng bị ách tắc do ảnh hưởng sự cố, đường sắt phải thỏa thuận với chủ hàng để chuyển tải, hiện đã chuyển tải được 16 đoàn qua khu vực bị sự cố, ưu tiên hàng tươi sống, đông lạnh và hàng chuyển phát nhanh.
Về phương án, Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang tiếp tục huy động xe tải để đưa những loại hàng hóa đông lạnh trên các toa hàng di chuyển sang container, xe tải để giao kịp cho khách hàng. Toàn bộ chi phí vận chuyển ngành đường sắt chi trả, chủ hàng không phải chịu thêm chi phí phát sinh. Tàu hàng
"Đây là sự cố vượt ngoài khả năng, tầm kiểm soát nên thiệt hại đối với vận tải đường sắt rất lớn. Tổng công ty kiến nghị các cấp xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ. Để giảm thiểu thiệt hại, đề nghị địa phương bố trí xe chuyển tải đảm bảo số lượng, điều kiện phục vụ hành khách; kiến nghị cấp thẩm quyền miễn phí sử dụng đường bộ cho xe chuyển tải hành khách, hàng hóa qua hầm Đèo Cả...", Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sau khi khắc phục xong sự cố sụt hầm Bãi Gió, cấp có thẩm quyền xem xét bố trí vốn gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu trên tuyến cần phải ưu tiên xử lý với kinh phí dự kiến dưới 500 tỷ đồng. Cùng đó có phương án xử lý 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt Thống nhất.