Chuyện những người giữ giống trâu nội

Đi tìm lại những chú trâu “thuần chủng” Việt Nam, chúng tôi đến nơi đang nuôi dưỡng và bảo quản nguồn gen các giống đại gia súc bản địa của nước ta.

Chú thích ảnh
Đồng cỏ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi nằm ven bờ sông Công, tại xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Nhà thơ Giang Nam neo vào lòng người lời thơ hay nhất trong bài thơ Quê hương của mình rằng:“Ai bảo chăn trâu là khổ, tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”. Tôi đem hình ảnh lãng mạn ấy để đến gặp “chàng mục đồng” 24 tuổi Nguyễn Gia Huân đang ngày ngày chăm  sóc 60 con trâu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi nằm ven bờ sông Công, tại xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Với diện tích rộng lớn gần 70 ha, trong đó có 30 ha đồng cỏ, Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi là nơi nuôi dưỡng số lượng ngựa, trâu giống lớn nhất miền Bắc hiện nay.

Chú thích ảnh
Những chú trâu đực có cặp sừng dài.

Mở cửa khu chuồng bưng kín tránh gió đông, công việc đầu tiên của những “người chăn châu” là kiểm tra từng con trâu xem có gặp vấn đề nào về sức khỏe cần xử lý hay không. Nếu không có vấn đề gì đặc biệt cần xử lý thì 7 giờ sáng là đàn trâu thủng thẳng ra đồng gặm cỏ non.

Với đàn trâu đang tuổi sinh sản thì quan trọng nhất kiểm tra xem có trâu động dục để tiến hành phối giống. Những con trâu gần đến ngày sinh nở, các kỹ sư cũng phải kiểm tra tận tình từng dấu hiệu chuyển dạ dể hỗ trợ trâu sinh sản “mẹ tròn con vuông” sau khoảng 10 tháng rưỡi mang thai.

Chú thích ảnh
Trâu sinh sản và đàn nghé con.

Huân kể, sáng nào thấy đám trâu cái nhảy cuồng lên, đám trâu đực đi theo đuôi trâu cái là biết lúc đó trâu động dục. Lúc ấy các “bà mai” tách đàn cho trâu kết đôi. Thời gian đầu khi trâu mang thai cũng cần được kiểm tra thai, kiểm tra sức khỏe, rồi nghe tim thai đều đặn. Cứ thế, mỗi năm, các “bà đỡ” tại Trung tâm đón trên dưới 20 nghé con ra đời, làm nguồn giống phục vụ các công tác nhân giống, bảo vệ và phát triển đàn trâu bản địa cung cấp nguồn giống trâu nội cho cả nước.

Mặt trời lên lưng chừng trời, Huân và cô bạn sinh viên năm cuối đang thực tập Nguyễn Thị Cúc lại cùng nhau lùa đàn trâu về chuồng. Chú trâu đực 7 tuổi vừa bị con trâu đực chuồng bên ngáng sừng rách một vết dài rớm máu, cả Huân và Cúc đều có vẻ tần ngần. Lên đây được gần 3 tháng, cô sinh viên Cúc 2 lần được hỗ trợ các cán bộ ở đây đỡ đẻ cho trâu. Những kinh nghiệm quý báu này góp phần vào luận án tốt nghiệp “Điều trị và nuôi trâu sinh sản” - nghiên cứu duy nhất về đàn trâu trong lớp hơn 100 sinh viên Khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mà cô đang dày công thực hiện.

Chú thích ảnh
Trâu sinh sản trong sự chăm sóc của các kỹ sư nông nghiệp.

Mùa đông giá rét thiếu nguồn cỏ tươi, các cán bộ của trung tâm đã phải chuẩn bị cắt, ủ lượng cỏ đủ cho trâu dùng. Cỏ sau khi được cắt về sẽ được đưa vào máy nghiền nhỏ cho đàn gia súc ăn. Để cỏ không bị thối mục, trong quá trình ủ, người chăn nuôi phải cho thêm muối. Nhưng trâu ăn cỏ ủ dễ bị bệnh chướng hơi dạ cỏ. Căn bệnh cấp tính khiến những con vật to lớn thuộc loài động vật nhai lại phềnh bụng to ra, hơi không thoát được chèn ép vào các cơ quan khác và rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời... Những lúc như thế, những kỹ sư lại sẵn sàng trực thâu đêm để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, cả khi Tết đã đến cận kề.

Nhìn Huân, nhìn Cúc chăm sóc từng con trâu được đánh số, biết tính tình từng con, tôi hiểu tình yêu của các em với công việc mình làm, sự đắm say của những người trẻ với nền nông nghiệp nước nhà.

Các công trình nghiên cứu đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển về tầm vóc, chất lượng, số lượng đàn đại gia súc, gia cầm tại địa phương.

Trâu Việt Nam được xếp vào đối tượng trâu đầm lầy. Qua điều tra, khảo sát nguồn gen mới hàng năm của Đề án Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi của Viện Chăn nuôi, hiện các nhà khoa học Việt Nam chia trâu bản địa của chúng ta thành 4 nguồn gen trâu chính đó là: trâu Bảo Yên (Lào Cai, Lai Châu), trâu Chiêm Hóa (Tuyên Quang), trâu Thanh Chương (Nghệ An) và trâu Langbiang (Lâm Đồng).

Chú thích ảnh
Các nguồn gen trâu Việt Nam có khả năng thích nghi và kháng bệnh tốt với điều kiện khí hậu Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám Đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi, ông cho biết: Thời gian gần đây, đàn trâu của Việt Nam có chiều hướng giảm cả về số lượng và chất lượng do nhu cầu khai thác tiềm năng sức kéo đã không còn cần, việc chọn giống cho trâu ở các địa phương cũng ít được chú trọng nên tình trạng cận huyết, đồng huyết xảy ra phổ biến do việc nhân giống tự nhiên trong cùng một địa bàn.

Vì vậy, để duy trì và phát triển đàn trâu, trung tâm đã dùng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu nội bằng tinh đông lạnh cọng rạ giống trâu Murrah. Trâu lai F1 cho khối lượng cơ thể cao hơn so với trâu nội từ 20 - 25%, năng suất thịt xẻ tăng từ 5 - 7%. Trâu lai có thể sử dụng nguồn sức kéo và nguồn thương phẩm nuôi thịt. Các công trình nghiên cứu đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển về tầm vóc, chất lượng, số lượng đàn đại gia súc, gia cầm tại địa phương; giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và góp phần đẩy mạnh nền kinh tế nông nghiệp.

Bài, ảnh: Tuệ Thy/Báo Tin tức
Nuôi trâu chọi ở Hải Lựu mùa dịch COVID-19
Nuôi trâu chọi ở Hải Lựu mùa dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2020 đã phải dừng tổ chức. Đến năm nay, một lần nữa Lễ hội chọi trâu Hải Lựu có nguy cơ phải dừng tổ chức. Điều này khiến nhiều người nuôi trâu chọi ở Hải Lựu hụt hẫng và lo lắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN