Chuyển mình để thích ứng

Tốc độ đô thị hóa và phát triển xã hội đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa các loại hình dịch vụ giao thông.

Song, để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành đi lại, vừa có hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối… lại đặt ra nhiều vấn để cần giải quyết. Bên cạnh những giải pháp đang được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải triển khai, các doanh nghiệp vận tải cũng đang từng bước “chuyển mình” để thích ứng với thời cuộc, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách hiện nay.

Chú thích ảnh
Chuyến tàu SE22 khởi hành tại ga Sài Gòn lúc 11 giờ ngày 27/4/2024. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

Năm nay được coi là năm bùng nổ du lịch tàu hoả khi lượng khách tăng cao đột biến, nên để tối ưu cơ hội này, ngành đường sắt đang tập trung phát triển các sản phẩm trải nghiệm mới thông qua việc đa dạng hóa các hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Lúc này, các sản phẩm vận tải không chỉ là điểm đi và điểm đến mà là trải nghiệm đi tàu, trải nghiệm hành trình du lịch để quảng bá hình ảnh của đất nước. Mỗi con tàu có thể thành điểm check-in di động; mỗi khu ga là một điểm đến của văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và di sản.

Đây không chỉ là một trong những giải pháp thu hút hành khách mà còn mong muốn đường sắt trở thành một dịch vụ kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá các vùng miền, địa phương.

Không chỉ dừng lại nâng cao chất lượng và dịch vụ sẵn có, tới đây, việc phát triển đường sắt tốc độ cao sẽ tạo cơ hội cho ngành đường sắt phát triển hơn nữa. Thực tế, đường sắt tốc độ cao đã được Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm nghiên cứu từ rất lâu. Đến thời điểm này, phát triển đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết và không thể chậm hơn được nữa. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang trình Chính phủ về dự án đường sắt tốc độ cao để Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị thông qua Quốc hội.

Về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khi được giao xây dựng các đề án liên quan, việc đầu tiên đã chủ động xây dựng tái cơ cấu doanh nghiệp để chuẩn bị cho việc quản lý, khai thác vận hành đường sắt tốc độ cao trong tương lai. Đặc biệt chủ động trong vấn đề công nghiệp hoá ngành đường sắt, chuẩn bị tinh thần tiếp nhận, chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao để chủ động trong vấn đề hoạt động cũng như điều hành. Sau này, phải chủ động trong việc sản xuất, không phụ thuộc vào các yếu tố khác.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Đặng Ngọc Hòa:

Chú thích ảnh
Tình hình thiếu hụt máy bay cũng là yếu tố tác động nghiêm trọng đến khả năng cung ứng chỗ và mức giá vé của doanh nghiệp. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tình hình thiếu hụt máy bay cũng là yếu tố tác động nghiêm trọng đến khả năng cung ứng chỗ và mức giá vé của doanh nghiệp. Hiện tại, Vietnam Airlines thiếu hụt trung bình 12% máy bay khai thác so với năm 2023, do phải dừng dài hạn vì vấn đề nhà sản xuất triệu hồi kiểm tra động cơ. Dự kiến cuối năm 2024, tổng máy bay khai thác của hãng sẽ chỉ còn khoảng 80 chiếc (đã tính bổ sung thêm máy Boeing 787-10 và Airbus A320NEO).

Giá thuê khô (thuê không bao gồm dịch vụ vận hành) máy bay trung bình đã tăng 20 - 30% so với thị trường trước và ngay sau dịch COVID-19. Trong khi đó, đối với máy bay thuê ướt (thuê một thời gian tối thiểu) cho giai đoạn cao điểm Hè, cũng là giai đoạn cao điểm chung tại rất nhiều khu vực trên thế giới, nên giá thuê ướt đẩy cao và số lượng máy bay cho thuê ướt trên thị trường cũng hạn chế. Mức giá tối thiểu tăng gấp đôi so với giai đoạn cao điểm Tết Âm lịch vừa qua.

Trong bối cảnh điều hành không có máy bay dự phòng vì ảnh hưởng khách quan trên, hãng đã nỗ lực chủ động, tăng giờ khai thác bình quân từ mức 251 giờ/chiếc/tháng năm 2023 lên 328 giờ/chiếc/tháng trong năm 2024. Dù thiếu hụt máy bay nhưng số ghế cung ứng trên km của Vietnam Airlines năm 2024 vẫn dự kiến tăng khoảng 15% so với năm 2023; trong đó, nội địa dự kiến tăng khoảng 10%.

Ngoài ra, để đảm bảo chuyến bay phục vụ người dân đi lại trong các mùa cao điểm, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt như: đẩy sớm lịch nhận máy bay mới, bổ sung máy bay thân rộng khai thác nội địa, thuê ướt máy bay dịp cao điểm, tối ưu hóa lịch bay và lịch bảo dưỡng máy bay, ra mắt các chương trình ưu đãi giảm giá bay nội địa.... Các nỗ lực này đang giúp hãng duy trì giá vé ở mức hợp lý nhất có thể để đáp ứng nhu cầu, khả năng chi tiêu đa dạng của hành khách.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát:

Chú thích ảnh
Bến xe Giáp Bát. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN

Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng, nếu như năm 2017, cả nước có 2,1 triệu phương tiện tham gia giao thông nói chung thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên 6,3 triệu phương tiện. Sau 5 năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông đã gia tăng theo cấp số nhân. Mặc dù số lượng phương tiện tăng nhanh, song, số vụ tai nạn giao thông, số người chết vì tai nạn lại giảm rõ rệt. Đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và tiếp đó là ý thức tuân thủ quy định của pháp luật của doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải, từ ý thức của chủ doanh nghiệp đến ý thức của tài xế.

Những năm gần đây, chất lượng dịch vụ vận tải cũng không ngừng tăng với giá thành hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân. Vấn đề đặt ra là lượng cung tăng nhanh nên tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa các xe hợp đồng và xe tuyến cố định. Với đặc thù địa phương, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, việc đăng ký, cấp lốt chạy cho xe tuyến cố định sẽ khó vì quỹ đất, hạ tầng giao thông còn hạn chế.

Yếu kém về hạ tầng càng bộc lộ khi sự gia tăng chóng mặt của loại hình xe hợp đồng. Sự cạnh tranh này tạo thuận lợi cho người dân đi lại nhưng lại gây nhiều khó khăn cho các phương tiện tuyến cố định. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ, cách tiếp cận để thu hút hành khách.

Là một doanh nghiệp kinh doanh cả vận tải hành khách tuyến cố định, tôi kỳ vọng, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hiện nay và Nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định này tới đây sẽ cởi bỏ một số quy định, giúp xe tuyến cố định có thể cạnh tranh bình đẳng với xe hoạt động theo hình thức hợp đồng.

Nói cách khác, các cơ quan quản lý cần xem xét siết chặt để tính pháp lý được đảm bảo và doanh nghiệp kinh doanh vận tải chính thống có điều kiện phát triển, người dân được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, giá thành hợp lý, giao thông ngày càng thông thoáng, an toàn.

Đức Dũng - Diệp Anh (TTXVN)
Từng bước giải quyết áp lực giao thông đô thị
Từng bước giải quyết áp lực giao thông đô thị

Giao thông đô thị là huyết mạch của các thành phố, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và đô thị hóa mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN