Phiên đấu thầu vàng diễn ra sáng 23/4, tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (TP Hà Nội) có sự tham gia dự thầu của 11 đơn vị, gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp: Techcombank, HDBank, ACB, Eximbank, Doji, Sacombank, SJC, Phú quý, MSB, PNJ, VPBank.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết: TPBank không tham gia đấu thầu vàng lần này bởi biên lợi nhuận thấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức chiều 23/4, hai thành viên trúng thầu là Công ty SJC và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 3.400 lượng vàng (tương đương 34 lô), giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất: 81,32 triệu đồng/lượng. Trong đó, SJC trúng thầu mua vào 2.000 lượng và ACB là 1.400 lượng vàng miếng SJC.
Sau phiên đấu thầu vàng miếng ngày 23/4, giá vàng trong nước và thế giới đều “lao dốc”. Hiện, giá vàng SJC mua vào là 80,70 triệu đồng/lượng và bán ra là 83 triệu đồng/lượng. Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay cũng tiếp tục giảm. Trên sàn Kitco, lúc 15 giờ chiều 23/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hạ xuống còn 2.306,50 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank ngày 23/4, một USD = 24.488 VND, giá vàng thế giới tương đương 68,05 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán vàng SJC 14,95 triệu đồng/lượng.
Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu ngày 23/4 là 16.800 lượng, tương đương 631 kg vàng. Như vậy, “ế” đến 13.400 lượng vàng miếng SJC. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với mức giá của ngày 22/4, còn 80,7 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng, tối đa là 2.000 lượng.
Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, phiên đấu thầu vàng miếng diễn ra sáng 23/4 cho thấy, các đơn vị tham gia đấu thầu đã thận trọng. Cụ thể, có 11 đơn vị tham gia, nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp trúng thầu với tổng khối lượng 3.400 lượng vàng. Thực tế, nhu cầu thị trường trong nước mang yếu tố tâm lý nhiều hơn.
"Không chỉ cân nhắc về giá, quy định tham gia đấu thầu của NHNN là thành viên tham gia phải mua tối thiểu 1.400 lượng vàng SJC. Điều này khiến không ít doanh nghiệp phải cân nhắc. Bởi trong 2 ngày gần đây, giá vàng thế giới đang "hạ nhiệt" và mua lượng vàng lớn lúc này không thực sự thuận lợi", ông Đinh Nho Bảng phân tích.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng: Nếu “ôm” 1.400 lượng vàng miếng SJC thời điểm này, tương đương hơn 113 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn của doanh nghiệp và đơn vị trúng thầu có tiêu thụ hết lượng hàng không? Vì sức mua của thị trường vàng lúc này được đánh giá là chậm.
Bối cảnh thị trường vàng hiện khác nhiều so với thời điểm năm 2013. Số doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trên thị trường đã giảm khá nhiều so với 11 năm trước. Hiện, chỉ còn tập trung vào một số đơn vị lớn như: SJC, Phú Quý PNJ, Doji… Do vậy, nhu cầu vàng miếng không thể tăng nhiều như 11 năm trước.
Để phiên đấu thầu vàng thời gian tới hấp dẫn hơn, đại diện doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội đề xuất: NHNN cần điều chỉnh quy định, giảm khối lượng mua tối thiểu. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đang ưu tiên kinh doanh sản phẩm vàng mang thương hiệu riêng, do vậy, việc “ôm” quá nhiều vàng miếng SJC không thực sự phù hợp với mục tiêu chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.