Chung sức xây dựng nông thôn mới: Cần tính đến sự bền vững trong sản xuất

Việc tìm ra các giải pháp và định hướng chiến lược cho sự phát triển kinh tế của hai vùng sản xuất phía Bắc và Nam Quốc lộ 1A ở Bạc Liêu hiện nay là rất cấp bách, khi mà tỉnh đang triển khai đồng lọat nhiều giải pháp để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới( NTM) tại nhiều vùng sản xuất ở các địa phương trong tỉnh.










Trên ''cái nền'' sản xuất hiện có với những đặc thù riêng của 2 vùng sản xuất Bắc- Nam, điều đó lại cần thiết hơn khi Bạc Liêu là một trong những tỉnh, thành sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nề từ biến đổi khí hậu do xâm nhập mặn và nước biển dâng. Vấn đề đặt ra là tỉnh cần có những chính sách mang tính chiến lược cho sự phát triển bền vững của vùng Bắc và vùng Nam Quốc lộ 1A.



Việc làm ấy sẽ rất cần thiết khi sự phát triển của 2 vùng được bền vững đối với nền kinh tế của tỉnh. Bởi suy cho cùng, muốn thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, thì bản thân nền kinh tế phải đủ lực. Vì sản xuất kém phát triển, môi trường bị ô nhiễm, người dân không tạo được tích lũy thì lấy gì để chung tay góp sức xây dựng hạ tầng, phát triển du lịch ? Hoặc lấy thế mạnh gì để tạo ra sức cạnh tranh trong thu hút kêu gọi đầu tư, chung tay xây dựng NTM ?



Hơn 10 năm chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, bên cạnh những thành tựu đã xuất hiện hàng loạt mâu thuẫn phát sinh. Đó là sự phát triển chưa bền vững của con tôm; đồng thời nguy cơ khai thác làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều.



Con tôm được xem là vật nuôi chủ lực của vùng Nam Quốc lộ 1A, nhưng chưa được đầu tư nhiều về hạ tầng. So với vùng Bắc Quốc lộ 1A, sản xuất vùng Nam còn gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy được coi là “mỏ tôm” của tỉnh và con tôm là vật nuôi chủ lực của vùng Nam, nhưng sự đầu tư về hạ tầng chưa nhiều. Đặc biệt là hệ thống thủy lợi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi. Nhiều vùng nuôi thiếu nước sạch cho con tôm. Người nuôi tôm luôn phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh. Như đã từng xảy ra những tháng đầu năm nay, làm cho nhiều ngàn ha tôm nuôi công nghiệp-bán công nghiệp bị chết, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm, đến mức tỉnh phải hỗ trợ cho người nuôi tôm khắc phục khó khăn ổn định sản xuất.



Hệ thống thủy nông nội đồng ở vùng Nam hiện chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu cấp thoát nước. Cái vòng luẩn quẩn “người thì lấy nước, người thì xả nước” là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp (CN-BCN) hàng năm không ngừng tăng. Nếu năm 2001, Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm CN-BCN chỉ khoảng 1.800 ha, thì đến nay đã vượt lên 15.000 ha và trở thành nơi có diện tích nuôi tôm CN-BCN quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL. Nếu tính luôn diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là con tôm), thì đã hơn 122 ngàn ha. Thế mạnh về nuôi trồng thủy sản như thế, nhưng hơn 10 năm chuyển đổi sản xuất, vùng nuôi tôm theo mô hình CN-BCN vẫn chưa có điện. Người nuôi tôm vẫn phải sử dụng máy phát điện để quay quạt nước và mọi thứ khác đều phải làm bằng thủ công. Từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, người nuôi đều không chủ động được như con giống hoàn toàn lệ thuộc từ ngoài tỉnh, chưa kể mua tôm giống từ nhiều nguồn và không được kiểm dịch chặt chẽ. Bên cạnh đó, người nuôi tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng khó khăn.



Trước những biến động về thị trường luôn gây bất lợi cho người nuôi, nhưng ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp mang tính can thiệp, hoặc góp phần đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi tôm như người trồng lúa. Bởi hiện nay, vẫn chưa có cơ chế nào dành riêng cho con tôm - vật nuôi đem về hàng trăm triệu USD cho ngành xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh. Không chỉ có con tôm, mà nhiều cây trồng, vật nuôi khác ở vùng Nam cũng không phát huy được giá trị kinh tế khi thiếu sự đầu tư. Sản phẩm làm ra chủ yếu xuất bán thô cho giá trị không cao, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường và điều kiện tự nhiên.



Trong khi đó, 25 doanh nghiệp hiện có trên địa bàn chuyên kinh doanh chế biến xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là tôm đông lạnh vẫn còn thiếu một chiến lược dài hơi đối với con tôm. Cho đến thời điểm này chưa có ao, vuông tôm nào được doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm, cho nên tuy nằm trên vùng nguyên liệu, nhưng có doanh nghiệp luôn kêu là ''thiếu nguyên liệu '' chế biến, trong khi lượng tôm nguyên liệu ''chạy'' ra ngòai tỉnh thời điểm nào cũng có.



Khi doanh nghiệp chỉ biết đơn thuần là lợi ích trước mắt, thiếu sự đầu tư lâu dài, tạo vùng nguyên liệu cho phục vụ chế biến xuất khẩu, cho nên không có gì là quá khi nói rằng Chỉ thị 80 CP về sự liên kết giữa 4 nhà chưa được thực hiện tại Bạc Liêu. Những bất cập này, Bạc Liêu đã thấy được và đang có những động thái tích cực để khắc phục như tập trung củng cố hệ thống thủy lợi cho vùng Nam Quốc lộ 1A; qui họach cụ thể vùng nuôi tôm CN tập trung; không mở rộng diện tích quá 15 ngàn ha để tập trung các nguồn lực cho đầu tư và quản lý sản xuất./.
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN