Chung sức vượt qua nghịch cảnh- Bài 2: Tháo gỡ những rào cản

Nghị quyết số 68/NQ-CP với 12 nhóm chính sách triển khai theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được thiết kế đơn giản, dễ tiếp cận và mang tính nhân văn cao, là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Tính đến ngày 14/10, đã có gần 21,89 nghìn tỷ đồng từ gói 26 nghìn tỷ đồng tới tay 24,26 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ theo quy định. Nhưng thực tế cũng cho thấy, vẫn còn rất nhiều người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn mà chưa tiếp cận được gói an sinh xã hội này.

Nút thắt phát sinh

Chú thích ảnh
Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch xã Hiền Hào, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng dệt may nói riêng. Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài, mục tiêu đạt 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 là rất khó. Đánh giá về những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với ngành dệt may, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Nguyên Hạnh cho biết, nhiều công ty thuộc Tập đoàn vẫn hoàn thành kế hoạch sản xuất, thậm chí hoàn thành vượt chỉ tiêu. Nhưng do thiếu hụt đơn hàng, nhiều người lao động thuộc Tập đoàn đã phải ngừng việc, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất trước mắt và kế hoạch phát triển dài hạn của Tập đoàn nói riêng và của ngành dệt may nói chung.

Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan ban hành, chỉ đạo, tổ chức triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với các chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là rất kịp thời.

Tuy nhiên, thực tế triển khai, theo bà Phạm Nguyên Hạnh, Tập đoàn đã gặp phải những vướng mắc đối với vấn đề hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp trong chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Không chỉ các doanh nghiệp ngành dệt may, các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải, hàng không… cũng rất quan tâm tới nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ. Sự bùng phát lần thứ tư của đại dịch COVID-19 khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đang phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa và 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước rơi vào tình trạng không có việc làm. Song việc tiếp cận gói 26 ngàn tỷ đồng mà Chính phủ triển khai thực hiện cho thấy, đòi hỏi có những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Phản ánh vừa qua của nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng cho thấy, dù đã gửi hồ sơ để vay vốn trả lương cho người lao động nhưng các doanh nghiệp này vẫn chưa được duyệt vì liên quan tới xác nhận thủ tục về thuế. Theo đó, để tiếp cận nguồn vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, các doanh nghiệp gặp phải nhiều rào cản trước những điều kiện rất ngặt nghèo theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Cụ thể, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/3/2022; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn và có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh... 

Đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 68, tại Tọa đàm do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng chỉ ra, tỷ lệ bao phủ của các Chương trình hỗ trợ tiền mặt còn thấp do thiết kế chương trình loại trừ các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như lao động di cư không đăng ký và lao động tự do trong khu vực phi chính thức. Độ bao phủ giữa các tỉnh là khác nhau vì chương trình dựa vào chính quyền địa phương để huy động nguồn kinh phí. Các quy định rườm rà cho người nhận trợ cấp và người sử dụng lao động cũng đã làm giảm tỷ lệ bao phủ, tỷ lệ giải ngân.

Báo cáo mới đây của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng chỉ rõ, quá trình triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Thời gian vừa qua tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tại một số địa phương, người lao động không đi lại được để hoàn thiện thủ tục đề nghị hưởng chính sách. Người lao động và người sử dụng lao động hiểu về các chính sách chưa thật sâu, thật cặn kẽ, vì vậy, chưa thực sự tích cực gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương.

Cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, hiểu chưa đầy đủ về chính sách, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm. Do dịch bệnh diễn biến tiếp tục phức tạp tại nhiều địa phương nên còn khó khăn trong việc bố trí kinh phí hỗ trợ do còn tập trung vào các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Gỡ vướng từ thực tế

Chú thích ảnh
Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội thị trấn Krông Năng, huyện KRông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, trước những khó khăn, vướng mắc trong thực tế và qua rà soát lại những quy định, Bộ đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg theo hướng mở rộng hơn đối tượng và đơn giản hơn nữa các thủ tục. “Điều đó sẽ giúp cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được chính sách, đồng thời hồ sơ, thủ tục dễ dàng hơn trong thời gian tới” Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

Và ngày 8/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP với việc bổ sung thêm nhiều đối tượng được hỗ trợ và đồng thời giảm các điều kiện để có thêm nhiều người lao động, người sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Nghị quyết 126/NQ-CP có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Giảm điều kiện đối với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; Mở rộng đối tượng đối với nhóm chính sách hỗ trợ người lao động; Bổ sung quy định hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người đối với đối tượng F0 hoặc F1 là người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng; Bỏ điều kiện hộ kinh doanh có đăng ký thuế và quy định rõ việc hỗ trợ hộ kinh doanh; Bỏ điều kiện về nợ xấu.

Đáng chú ý là điểm mới trong việc mở rộng đối tượng đối với nhóm chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc và chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, Nghị quyết 126/NQ-CP quy định, hỗ trợ đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động cho tất cả người sử dụng lao động trong các loại hình sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp nhằm đảm bảo tránh bỏ sót đối tượng người lao động.

Bổ sung trường hợp người lao động phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 được hưởng chính sách hỗ trợ…

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Nghị quyết 68/NQ-CP sau khi được sửa đổi, bổ sung đã thực sự rất thông thoáng, thủ tục đơn giản, thời gian thẩm định, giải quyết hồ sơ rút ngắn, tạo sự linh hoạt tối đa cho địa phương. Bộ đã đề nghị các cơ quan chức nỗ lực khẩn trương triển khai các chính sách. Các địa phương đã tập trung thực hiện 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 của Chính phủ.

“Chậm nhất trong đầu tuần tới, Chính phủ sẽ sửa Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đi kèm để đảm bảo việc triển khai chính sách thông thoáng nhất. Từ Nghị quyết 42 tới Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, các chính sách đều thể hiện tinh thần nhân văn, thể hiện sự chung sức chung lòng để chăm lo cho người lao động, chia sẻ với người lao động để vượt qua đại dịch”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Hạnh Quỳnh- Việt Đức (TTXVN)
Chung sức vượt qua nghịch cảnh- Bài 1: Tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp
Chung sức vượt qua nghịch cảnh- Bài 1: Tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt gấp nhiều lần so với ba đợt dịch trước. Biến chủng Delta đã khiến đời sống kinh tế -xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tính mạng, sức khỏe của nhân dân bị đe dọa, doanh nghiệp và người lao động lao đao vì khó khăn. Do mất việc làm, hàng vạn người phải về quê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN