Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 575,77 điểm (tương đương 1,8%) và đóng cửa ở mức 33.212,96 điểm. Diễn biến này giúp Dow Jones có chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 12/2021 tới nay.
Chỉ số S&P 500 cũng tăng 100,40 điểm (2,5%) và kết thúc ở mức 4.158,24 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 390,48 điểm (3,3%) và khép phiên này ở mức 12.131,13 điểm.
Mức tăng hôm thứ Sáu kéo dài một đợt phục hồi bắt đầu vào thứ Tư, đảo ngược tình trạng sụt giảm trên thị trường chứng khoán vốn đã diễn ra hầu hết từ đầu năm liên quan đến các động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng trung ương này đã cho thấy các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhằm đối phó với lạm phát.
Nhưng dữ liệu hôm thứ Sáu từ Bộ Thương mại cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát được Fed đặc biệt lưu tâm – chỉ tăng 0,2% trong tháng Tư. Đây là mức tăng hàng tháng nhỏ nhất trong một năm rưỡi, phần lớn là do giá xăng giảm.
Tốc độ tăng của PCE cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) cũng giảm từ 5,2% hồi tháng Ba xuống 4,9% trong tháng Tư khi so với cùng kỳ năm ngoài. Đây cũng là tháng “hạ nhiệt” thứ hai liên tiếp của chỉ số này. Lần cuối cùng PCE cốt lõi giảm liên tiếp là trong vài tháng đầu tiên khi đại dịch bắt đầu bùng phát hồi đầu năm 2020.
Những số liệu mới hỗ trợ cho lập luận rằng nền kinh tế Mỹ đã hoặc đang đi qua thời kỳ "lạm phát đỉnh điểm" – dự kiến sẽ giá tiêu dùng sẽ ít khả năng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới.
Ông Tim Courtney, Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn tài chính Exencial Wealth Advisors cho biết thị trường đang dần thả lỏng hơn khi họ nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” liên quan tới tình hình lạm phát.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán Mỹ đã có một tuần khởi sắc rực rỡ với bốn phiên tăng cao và chỉ một phiên giảm điểm.
Trong phiên đầu tuần 23/5, các chỉ số chính đều phục hồi mạnh sau những tín hiệu cho thấy nước này có thể dỡ bỏ thuế đánh vào một số hàng hóa của Trung Quốc. S&P 500 chốt phiên tăng 1,9% lên 3.973,75 điểm. Dow Jones tăng 2%, lên 31.880,24 điểm, trong khi Nasdaq tăng 1,6%, lên 11.535,27 điểm.
Một yếu tố khác có tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư là một số nhà quan sát thị trường chỉ ra những yếu tố mang tính kỹ thuật cho thấy thị trường có thể đã chạm đáy ngắn hạn, bước vào giai đoạn phục hồi.
Nhưng sang phiên 24/5, những lo ngại mới về tăng trưởng toàn cầu sau cảnh báo từ chủ sở hữu của ứng dụng Snapchat đã khiến các nhà đầu tư kinh hãi và gây sốc hơn nữa cho lĩnh vực công nghệ. Dow Jones tuy nhích 0,2% lên 31.928,62 điểm nhưng S&P 500 sụt mất 0,8% xuống 3.941,48 điểm. Nasdaq thậm chí để mất tới 2,4% và khép phiên ở mức 11.264,45 điểm.
Chứng khoán Mỹ lại quay đầu tăng điểm trong phiên 25/5, trước lúc biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed được công bố. Cụ thể, Dow Jones tăng 191,66 điểm (0,6%) lên 32.120,28 điểm. S&P 500 tăng 37,25 điểm (0,95%) lên 3.978,73 điểm và Nasdaq tăng 170,29 điểm (1,51%) lên 11.434,74 điểm.
Trong phiên giao dịch 26/5, thị trường chứng khoán Phố Wall tăng phiên thứ hai liên tiếp, nhờ báo cáo kinh doanh mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ và hoạt động săn hàng giá hạ của nhà đầu tư. Chốt phiên này, Dow Jones tăng hơn 500 điểm (1,6%) lên 32.637,19 điểm. S&P 500 tăng 2% lên 4.057,84 điểm, còn Nasdaq tăng 2,7% lên 11.740,65 điểm.
Với mức tăng khá mạnh trong phiên 27/5, chỉ số Dow Jones đã tăng 6,2% trong tuần qua, phá vỡ chuỗi 8 tuần giảm điểm và cũng là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1932. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng dứt chuỗi 7 tuần giảm liên tiếp khi ghi nhận mức tăng hàng tuần lần lượt là 6,6% và 6,8%. Cả Dow và S&P 500 đều ghi nhận mức tăng hàng tuần tính theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ tháng 11/2020.
Giới quan sát nhận định thị trường chứng khoán có thể duy trì động lực từ đợt tăng mới nhất này sang tuần tới, khi các nhà đầu tư xem xét một loạt báo cáo quan trọng được công bố vào tuần sau. Trong số này, báo cáo việc làm tháng Năm công bố vào thứ Sáu (ngày 3/6) là dữ liệu quan trọng nhất. Các số liệu đáng chú ý khác bao gồm báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) về hoạt động chế tạo, doanh số bán xe hàng tháng và Báo cáo màu be của Fed - tất cả đều được công bố vào thứ Tư (1/6).
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn còn cảnh giác về khả năng sự biến động thất thường của Phố Wall có thể chỉ đơn thuần giảm bớt vào lúc này.
Theo ông Yung-Yu Ma, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty tư vấn tài chính BMO Wealth Management, sự bi quan đã ăn sâu vào tâm lý nhà giao dịch. Đến mức thị trường sẽ phản ứng rất tích cực với cả những tin tức đơn giản cho thấy sự gia tăng đều đặn ổn định.
Chuyên gia này thận trọng rằng còn quá sớm để chắc chắn rằng thời kỳ biến động đã qua. Ông vẫn nhận định thị trường sẽ tiếp tục diễn biến bấp bênh trong giai đoạn tới.