Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) hay còn gọi là gas ở mức 5% trước đề xuất giảm xuống 0% của Hiệp hội gas Việt Nam. Tuy nhiên, trường hợp giá thế giới và trong nước tiếp tục tăng cao, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ có biện pháp bình ổn giá.
Giá gas tăng kỷ lục khiến đời sống người dân gặp khó khăn. |
Chia sẻ với phóng viên Tin Tức chiều 4/12, một cán bộ của Công ty cổ phần khí hóa lỏng miền Bắc cho biết: Mới đây, Cục Quản lý giá đã tới doanh nghiệp kiểm tra lại cơ cấu giá thành của mặt hàng gas để xem việc tăng giá gas có hợp lý không? Kết quả cho thấy, công ty này đã điều chỉnh giá gas theo biến động của giá thế giới.
Theo ông Tuấn, giá bán gas tại thị trường trong nước được xác lập trên cơ sở giá thế giới - giá hợp đồng (giá CP) do Saudi Aramco (công ty chiếm thị phần lớn đối với nguồn cung LPG thế giới) công bố vào những ngày cuối cùng của tháng trước để áp dụng từ đầu tháng sau. Vì vậy, nếu cố định các yếu tố đầu vào khác, khi giá thế giới tăng hoặc giảm sẽ làm cho giá gas trong nước tăng/giảm ở mức tương ứng. Từ ngày 1/12, giá trên thị trường thế giới tháng 12/2013 tăng cao so với tháng 11/2013, mức tăng 267,5 USD/tấn, tỷ lệ tăng khoảng 30%. Theo tính toán sơ bộ, nếu cố định các yếu tố đầu vào khác, tác động tăng của giá CP thế giới sẽ làm tăng giá bán gas trong nước khoảng 80.000 đồng/bình 12 kg. Theo hồ sơ kê khai giá của 5 doanh nghiệp kinh doanh LPG đầu mối về Bộ Tài chính, mức tăng bình quân của các doanh nghiệp này khoảng từ 77.859 - 78.936 đồng/bình 12 kg.
Đề cập đến việc có giảm thuế nhập khẩu gas để hạ giá bán, đại diện Cục Quản lý giá cho rằng: Việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu phải căn cứ vào nhiều yếu tố, gồm yếu tố cung cầu của thị trường, điều kiện sản xuất kinh doanh, chỉ số giá tiêu dùng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Theo các thông số hiện nay thì trước mắt, Bộ Tài chính đề nghị vẫn giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu LPG hiện hành; đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ dự báo về giá CP trên thị trường thế giới và tình hình thị trường trong nước.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, lượng gas nhập khẩu của doanh nghiệp sẽ không đồng đều. Có đơn vị có thể nhập khẩu đến hơn 70% nhưng cũng có đơn vị chỉ nhập khoảng 20 - 30%. “Nếu cơ quan quản lý kiểm soát và nắm rõ được điều này thì hoàn toàn có thể can thiệp cũng như chi phối lại thị trường, giảm áp lực tăng giá”, lãnh đạo của một doanh nghiệp tư nhân cho biết.
Việc giá gas tăng kỷ lục vừa qua vẫn khiến không ít người hoài nghi. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng: Gas là mặt hàng có số lượng người tiêu dùng rất lớn nên việc tăng giá mạnh đã ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Đại diện Vinastas cho hay: “Không thể nói đơn giản là giá gas thế giới tăng thì giá gas trong nước tăng. Việc tăng giá gas bất thường như vừa qua đặt ra hai câu hỏi: Thứ nhất, giá gas trong nước tăng có tương ứng với giá gas thế giới không? Thứ hai, với lượng gas tồn kho nhập trước khi tăng giá, khi bán đến tay người tiêu dùng, lượng gas này có giá như thế nào”. Trong khi đó, dự báo từ nay tới cuối năm, giá gas sẽ tiếp tục tăng. Trước nhận định này, nhiều đại lý gas đang tăng lượng hàng dự trữ nhằm hưởng lợi.
Giải thích về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho hay: Giá bán gas thực hiện theo cơ chế thị trường và do các doanh nghiệp tự quyết định. Hiện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gas trong nước đều bán LPG theo giá thế giới đã được công bố hàng tháng (được hình thành trên cơ sở giá CP tháng đó). Giá trong nước tăng/giảm cùng chiều với giá thế giới và thường được thực hiện gần như đồng thời. Vì vậy, nếu doanh nghiệp dự báo đúng diễn biến giá CP trong tương lai; qua đó quyết định sản lượng nhập khẩu, thì có thể có lợi nhuận. Ngược lại, nếu doanh nghiệp nào dự báo không tốt, có thể không có lợi nhuận thậm chí là thua lỗ. Tuy nhiên trên thực tế, việc dự báo giá CP để quyết định sản lượng và thời điểm nhập khẩu không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Theo Bộ Tài chính, về cơ bản, mức điều chỉnh gas của các doanh nghiệp này cơ bản phù hợp với diễn biến giá thị trường thế giới, có tăng, có giảm. Ông Tuấn ví dụ: Tại thời điểm tháng 4/2013, khi giá thế giới bình quân là 812,5 USD/tấn, giảm 82,5 USD/tấn so với tháng 3/2013, các doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm giá bán gas trong nước ở mức tương ứng từ 23.100 - 24.000 đồng/bình 12 kg.
Minh Phương