Chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại

Thời gian gần đây, các vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng. Trong tháng 8 này, có thêm 2 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện, đó là, mặt hàng tôm bị kiện chống trợ cấp và mặt hàng ống thép bị kiện chống bán phá giá cùng tại thị trường Mỹ.


Luôn tiềm ẩn nguy cơ bị kiện bán phá giá


Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), có nhiều lý do dẫn tới việc hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện. Điểm đầu tiên là nhiều ngành hàng xuất khẩu có sự tập trung quá lớn vào một số thị trường. Hiện, các thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt Nam gồm Mỹ, Nhật, Trung Quốc, ASEAN, EU. Khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng lên tập trung vào một số thị trường chính thì nguy cơ bị kiện cũng tăng lên.


“Những vụ kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp thực chất là những rào cản, thứ nhất từ những ngành công nghiệp nội địa họ muốn bảo trợ cho những hoạt động của họ”. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Là một nước có định hướng xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào nhiều thị trường chủ lực đã tăng cao hơn so với tốc độ nhập khẩu. Hiện, ngoài ASEAN và Trung Quốc, Việt Nam đang xuất siêu ở các thị trường còn lại. Đây cũng là lý do để các nước thường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.


Theo các chuyên gia thương mại, một yếu tố khác là các ngành sản xuất Việt Nam dễ rơi vào các vụ kiện phá giá còn do hoạt động sản xuất gia công và xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ yếu xuất khẩu theo dạng thô, ít qua chế biến. Việc xuất khẩu cạnh tranh bằng giá sẽ khiến nguy cơ bị kiện chống bán phá giá cao hơn.


Bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng ban, Điều tra viên Ban Phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng: “Kiện phòng vệ thương mại là những công cụ bảo vệ sản xuất nội địa được thừa nhận trong WTO. Vì vậy không có cách nào, cũng không có nước nào có thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị kiện đối với hàng hóa xuất khẩu của mình. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nước gia tăng việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước”.


Chủ động ứng phó để hạn chế thiệt hại


Từ thực tế các vụ kiện thời gian qua cho thấy, nhiều mặt hàng bị kiện là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nên thiệt hại là rất lớn. Như vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm hiện nay là một ví dụ. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn của tôm đông lạnh Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng trăm triệu USD. Việc áp thuế chống trợ cấp có thể ảnh hưởng lớn đến ngành xuất khẩu tôm Việt Nam.


Bà Phạm Hương Giang cho rằng, khi tăng cường xuất khẩu và hội nhập với kinh tế thế giới, khả năng bị kiện là luôn hiện hữu nên doanh nghiệp và Hiệp hội luôn phải sẵn sàng và chủ động, cần hiểu biết quy định luật pháp của nước ngoài, chuẩn bị kiến thức cho đội ngũ của mình để sẵn sàng đối phó.


Những sản phẩm bị kiện của Việt Nam thường rơi vào những mặt hàng sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng loạt, sử dụng nhiều tài nguyên, những mặt hàng nông sản mới qua sơ chế nên giá bán rất rẻ. Vì vậy, theo Cục Quản lý cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tăng cường sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn bằng cách đầu tư máy móc, công nghệ nhằm ngăn ngừa các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước nhập khẩu. Để giảm nguy cơ chống bán phá giá của các nhà sản xuất nội địa, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.


Bên cạnh đó, khi vụ kiện đã được tiến hành, các doanh nghiệp có sản xuất sản phẩm bị kiện có thể tận dụng sự ủng hộ và tiếng nói của nhà nhập khẩu, người tiêu dùng tại quốc gia khởi kiện. Vì khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp mức thuế cao hơn thì giá bán sẽ tăng lên và chính quyền lợi của người tiêu dùng ở nước sở tại cũng bị thiệt hại.


Để giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với các vụ kiện, Cục Quản lý cạnh tranh đã triển khai hệ thống cảnh báo sớm đối với gần 20 mặt hàng với 5 thị trường lớn. Ngoài ra, khi vụ việc xảy ra nên có sự liên kết phối hợp, hợp tác chặt chẽ của Cục Quản lý cạnh tranh với thương vụ, đại sứ quán để hỗ trợ và tư vấn doanh nghiệp để giải quyết nhằm giảm thiểu thiệt hại.


Thu Hường

Con tôm Việt Nam “gian nan” tại thị trường Mỹ
Con tôm Việt Nam “gian nan” tại thị trường Mỹ

Vừa qua Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết trong vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Trước thông tin này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng (PTCT) Tổng cục Thủy sản (PTCT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN