Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, một hướng đi quan trọng để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc đó là các doanh nghiệp phải đa dạng thị trường xuất nhập khẩu và xây dựng được nguồn nguyên vật liệu ngay tại trong nước.
Đa dạng thị trường nguyên liệu
Tình trạng phụ thuộc kinh tế có thể gây nhiều hệ lụy cho phát triển của từng ngành sản xuất cũng như cả nền kinh tế. Tuy nhiên, một số ngành sản xuất của nước ta lại đang phụ thuộc nhiều nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.
Doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Ảnh: Hải Yên |
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2013, ngành may cả nước sử dụng 7,4 tỷ mét vuông vải nhưng phải nhập khẩu tới 6 tỷ mét vuông. Trong đó, riêng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể lên tới từ 3 - 4 tỷ mét vuông nhờ giá rẻ. Hơn nữa, các doanh nghiệp dệt may lâu nay cũng chưa có tư duy đa dạng hóa thị trường nguyên liệu. Việc có những doanh nghiệp dệt may phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc chiếm đến 70 - 80% dẫn tới khi có biến động về nguồn cung thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.
Để giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu, theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt cần phải đa dạng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nhiều thị trường khác nhau. Với ngành dệt may, để tránh việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu, như có thể nhập khẩu xơ từ thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia; nhập khẩu sợi từ thị trường Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và nhập khẩu vải từ thị trường Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia...
Ông Phạm Ngọc Hưng cho biết, để đa dạng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, một khó khăn là nhiều doanh nghiệp rất thiếu thông tin thị trường. Do đó, các cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần thông tin thêm về thị trường các nước để doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư, tìm nguồn nguyên liệu thay thế.
Cần chính sách hỗ trợ tăng tỷ lệ nội địa hóa
Cùng với đa dạng thị trường nhập khẩu, để chủ động nguồn cung nguyên liệu về lâu dài, Việt Nam cần tính đến việc xây dựng nguồn cung cấp ngay tại trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu.
“Hiện nay, để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện khai thác các cơ hội đến từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, sự chủ động về nguồn cung trong ngành (nhất là sợi, dệt nhuộm) đang gia tăng nhanh chóng, một loạt doanh nghiệp sản xuất sợi quy mô lớn trong nước đều có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao năng lực cung cấp sợi, giảm dần giá trị nhập khẩu”, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất.
Tuy nhiên, để nâng cao năng lực sản xuất trong nước cần sự nỗ lực của doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước. Về phía doanh nghiệp, theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, một hướng đi quan trọng để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc đó là các doanh nghiệp phải xây dựng được nguồn nguyên vật liệu ngay trong nước.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần đầu tư một cách có chiều sâu vào máy móc, khoa học công nghệ, sản xuất được nguyên vật liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lập ra một hệ thống sản xuất có tính liên kết và phân công rõ ràng, chuyên môn hóa từng khâu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ chính là giải pháp then chốt cho bài toán trên.
Để đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ thì cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để nâng tỷ lệ vải sản xuất trong nước thì phải tăng đầu tư cho công nghiệp dệt, nhuộm. Tuy nhiên, không chỉ gặp khó khăn về vấn đề vốn mà nhiều địa phương cũng không muốn bố trí mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung quyết định 33/2011/QĐ - UBND theo hướng ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất ngành nguyên phụ liệu dệt may, da giày để hỗ trợ giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, tận dụng sản xuất và sử dụng nguyên liệu trong nước.
Đồng tình quan điểm, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp nhựa thành phố đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, trong đó phụ thuộc đến 90% máy móc Trung Quốc và 80% nguyên phụ liệu, vật tư phụ trợ ngành nhựa đều nhập từ Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông Việt Anh cũng cho rằng, trong khó khăn cũng có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nếu ngân hàng mở rộng cửa hỗ trợ cho DN, đặc biệt là doanh nghiệp phụ trợ sản xuất ống đồng, bảng nhựa... Nếu doanh nghiệp có thêm ưu đãi về thuế thì họ sẽ đẩy mạnh sản xuất thay vì nhập hầu hết từ Trung Quốc.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu vốn, thiếu tài sản thế chấp, lãi suất cho vay vẫn còn cao. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nghiên cứu giảm thêm lãi suất cho vay đối với các DN đổi mới đầu tư công nghệ. Mặt khác, UBND thành phố cũng cần có chính sách cụ thể để khuyến khích, kêu gọi các nước đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu vào Việt Nam.
Thu Hường - Hải Yên