Chống thất thu thuế từ hoạt động khai thác khoáng sản

Những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này lại chưa tương ứng với thực tiễn hoạt động. Nhiều doanh nghiệp chưa kê khai trung thực trữ lượng hàng hóa bán ra, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Chú thích ảnh
Năm 2023, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, sản lượng khai thác sụt giảm nhưng được sự tuyên truyền và hướng dẫn của các cán bộ thuế, các doanh nghiệp đã nỗ lực hoàn thành đúng nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Nhằm tăng cường quản lý thuế trong khai thác khoáng sản, Cục Thuế Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi mua bán hoá đơn không hợp pháp gây thất thoát thuế….

Chi cục Thuế khu vực thị xã Bỉm Sơn - Hà Trung hiện quản lý 32/59 mỏ khoáng sản. Trong 9 tháng năm 2023, tổng số tiền đơn vị đã thu thuế từ hoạt động khai thác khoáng sản đạt hơn 25 tỷ đồng. Để phát hiện, ngăn chăn kịp thời các hành vi mua bán hoá đơn không hợp pháp, đơn vị đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Đơn vị kiểm tra chặt chẽ hóa đơn bán các loại mặt hàng có nguồn gốc từ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản như: cát, đất, đá; kiểm soát hồ sơ kê khai thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng có biến động về giá lớn. Đơn vị thường xuyên rà soát, đối chiếu giá mua, giá bán trên hóa đơn đầu vào, đầu ra với thông tin về giá niêm yết, công khai của các chủ mỏ để phục vụ công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ban, ngành ngăn chặn kịp thời các hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa tài nguyên, khoáng sản.

Công ty TNHH Châu Quý, xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá cấp phép khai thác mỏ từ năm 2016, với thời hạn 30 năm, trữ lượng khai thác cấp phép 114.000 m3/năm. Hàng năm, doanh thu từ hoạt động khai thác của công ty đạt từ 7 - 10 tỷ đồng. Năm 2023, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, sản lượng khai thác sụt giảm, tuy nhiên công ty luôn nỗ lực hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, công ty đã đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng. Để đạt được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, các cán bộ Chi cục Thuế khu vực Bỉm Sơn - Hà Trung đã luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về các thủ tục kê khai thuế, đảm bảo doanh nghiệp khai đúng, đủ theo quy định của pháp luật.

Ông Thịnh Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực thị xã Bỉm Sơn - Hà Trung cho biết, thuế tài nguyên chiếm phần quan trọng trong tổng thu ngân sách hàng năm. Riêng đối với các doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản Chi cục đã mời trực tiếp người nộp thuế đến để tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý và sử dụng hóa đơn điện tử; quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và có biên bản cam kết của người nộp thuế về khai thuế và không vi phạm về sử dụng hóa điện tử. Tuy nhiên, để hoạt động kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả cao rất cần sự vào cuộc phối hợp của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Chi cục Thuế khu vực Ngọc Lặc, Lang Chánh hiện đang quản lý 5 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Trong 9 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách toàn huyện đạt hơn 97 tỷ đồng (đạt 114% dự toán); trong đó, thuế thu từ hoạt động khai thác khoáng sản đạt 3,8 tỷ đồng. Để chống thất thoát nguồn thuế từ hoạt động khai thác khoáng sản, Chi cục đã tập trung rà soát việc kê khai của các tổ chức, cá nhân; các nguồn thu từ khai thác tải nguyên, khoáng sản... phát hiện các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp để có biện pháp chấn chỉnh.

Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường công tác quản lý thông qua hồ sơ kê khai thuế của người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế như: sổ sách, kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ… để làm căn cứ xác định nghĩa vụ thuế; đôn đốc người nộp thuế thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, có các giải pháp hữu hiệu trong việc thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng hợp pháp hóa, hợp thức hóa chứng từ đầu vào, nhất là việc sử dụng, mua bán, kinh doanh cát, sỏi lòng sông, đất san lấp, đá chẻ, cao lanh; khai thác thông tin dữ liệu qua các camera, trạm cân để đối chiếu sản lượng khai thác thực tế và khối lượng xuất hóa đơn.

Ông Lê Xuân Yên, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thuế khu vực Ngọc Lặc - Lang Chánh cho biết, ngoài các giải pháp của ngành thuế, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ. Đơn vị phối hợp trong việc đôn đốc thu nộp, cưỡng chế đối với các trường hợp chây ỳ, nợ đọng tiền thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định… Nhờ các biện pháp quyết liệt, đến nay chưa phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá, trên địa hiện trên địa bàn có 323 doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản với 412 mỏ khoáng sản đang hoạt động. Với các giải pháp quyết liệt của ngành thuế, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương sẽ góp phần quản lý và sử dụng các nguồn lợi từ khoáng sản một cách bền vững và đạt hiệu quả cao nhất…

Khiếu Tư - Nguyễn Nam (TTXVN)
Định giá đất đúng, tránh thất thu thuế
Định giá đất đúng, tránh thất thu thuế

Xung quanh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 21/6, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) về các nội dung liên quan đến định giá đất, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đất đai so với hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN