Chống ngập đô thị - nhiều dự án ít hiệu quả

Sau nhiều năm thiếu quy hoạch, TP Hồ Chí Minh đã phải thực hiện nhiều dự án thoát nước nhằm giải quyết tình trạng ngập nước cục bộ do kênh rạch bị san lấp cũng như hiện tượng triều cường ngày càng khốc liệt. Song, xem ra hiệu quả của các dự án vẫn chưa rõ ràng.

Càng chống càng ngập




Cảnh ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (HCM).

 Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Theo nghiên cứu của Trung tâm Chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, cách đây hơn 15 năm tình trạng ngập úng đô thị đã bắt đầu phát sinh vì nước không có đường thoát sau khi kênh rạch cũng như ao hồ bị san lấp vô tội vạ để mở rộng các khu dân cư. Để giải quyết hiện tượng này, cũng vào thời điểm năm 1995, Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện các giải pháp chống ngập đô thị. Thế nhưng càng chống thì số lượng các điểm ngập nước cũng như diện tích ngập càng tăng sau mỗi mùa mưa, cũng như sau mỗi đợt triều cường hàng tháng.

Trong Hội thảo chống ngập nước được tổ chức đầu tháng 6/2010, đại diện Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP Hồ Chí Minh, đã cho rằng: Từ hơn 30 điểm ngập đầu tiên, các cơ quan chức năng địa phương đã hứa quyết tâm đến năm 2000, TP Hồ Chí Minh sẽ không bị ngập nước để người dân không ướt chân, lấm dép. Thế nhưng đến năm 2001, số điểm ngập được công bố đã lên đến hơn 100 điểm, trong đó khu vực nội thành là 60 điểm, dù ngân sách đã đầu tư rất nhiều tiền cho các công trình chống ngập.


Hẻm 165 đường D2, quận Bình Thạnh (HCM) bị ngập. Ảnh: Hoàng Hải

Có thể nói, việc các vùng đất trũng được san lấp để phục vụ quá trình đô thị hóa đã làm gia tăng cường độ ngập cũng như thời gian ngập do triều cường. Năm 1999, đỉnh triều cường cao nhất đo được ở trạm Phú An là 1,36 m với thời gian hai lần/năm, thì nay triều cường thường xuyên từ 1,42 m đến 1,5 m. Nghiêm trọng hơn, năm 2009, đỉnh triều lên cao ở mức 1,56 m (là đỉnh triều cao nhất trong 50 năm qua), kéo dài trong 6 ngày đã gây ngập hơn 100 tuyến đường. Ðáng báo động là tình trạng ngập lụt do triều cường ngày càng lan rộng, làm ảnh hưởng đến gần 11.000 ha diện tích thuộc địa bàn 154 phường, xã của TP Hồ Chí Minh và gây xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người dân. Tại các địa điểm thấp trũng như khu cư xá Thanh Ða, khu Văn Thánh (quận Bình Thạnh); khu biệt thự An Phú, An Khánh (quận 2); khu dân cư các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức); khu vực quận 8… người dân phải sống chung với nước ngập và ô nhiễm môi trường.

Dự án to, hiệu quả chưa rõ

Để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của nước ngập, Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định đầu tư 1 tỷ USD thực hiện 4 dự án thoát nước và nạo vét kênh rạch. Vì dự án chủ yếu nằm ở khu vực nội thành trong khi thời gian thi công kéo dài nên những biến đổi về lượng mưa đã ảnh hưởng đến khả năng giảm ngập của cả 4 dự án.

Thạc sĩ Hồ Long Phi, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh đã kết luận rằng: Nếu cả 4 dự án chống ngập lớn hoàn thành trong 5 năm tới, dự báo cũng chỉ giảm được 50% số lượng điểm ngập. Lý do là lượng mưa tăng bất thường trong 20 năm trở lại đây đã làm hệ thống cống thoát nước đang xây dựng bị quá tải. Nhìn nhận khách quan tại một dự án thì các yếu tố kỹ thuật về hệ thống cống thoát nước của dự án nạo vét lưu vực rộng 3.500 ha của kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè mặc dù đang xây dựng với tổng vốn trên 200 triệu USD, nhưng khả năng tiêu thoát nước của mạng lưới cống đã lạc hậu so với lượng mưa tăng cao bất thường gần đây. Vì vậy, ngay cả khi dự án hoàn thành đúng tiến độ thì diện tích vùng ngập vẫn còn đến 900 ha nếu trời mưa to.

Đánh giá trên quy mô quy hoạch chống ngập cho toàn vùng trũng thấp của TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước lại băn khoăn khi khả năng kết nối hạn chế của 4 dự án chống ngập nội thành với đại dự án chống ngập phía Nam thành phố có vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng năm 2009. Theo ông Công, nếu thực hiện dự án chống ngập vòng ngoài để bảo vệ khu vực TP Hồ Chí Minh và Long An thì phải cân nhắc những tác động nhiều mặt của dự án đến kinh tế, xã hội, giao thông thủy của cả vùng. Ngoài ra, có một thực tế cần lưu ý là TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai hàng loạt công trình và dự án hạ tầng đô thị. Nếu triển khai dự án đê bao ngăn nước thì phải chú ý đến việc lưu thông hàng hóa theo đường thủy từ TP Hồ Chí Minh về khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại, môi trường sống trong khu đê bao sẽ như thế nào khi mực nước phía ngoài đê cao hơn mực nước phía trong sẽ tác động đến việc thoát nước bẩn từ nội ô ra phía ngoài như hiện nay. Hơn thế nữa, nguồn nước thải từ Bình Dương, Tây Ninh đổ về sẽ được tính toán để tiêu thoát ra sao khi hệ thống đê bao vận hành.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia chống ngập của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước lại cảnh báo về tình trạng thi công không đúng thiết kế kỹ thuật của một số dự án hạ tầng đã và đang làm tình trạng ngập nước thêm trầm trọng. Đó là việc nhiều đơn vị thi công đã phớt lờ cảnh báo khi đóng cọc che kín cống thoát nước, đắp đất bịt kín dòng chảy các kênh rạch, hoặc đổ chất thải vào ống cống thoát nước đã xảy ra tại các dự án Đại lộ Đông Tây và dự án Cải thiện môi trường nước, dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, dự án cải tạo môi trường lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm. Nếu như những sai sót này chưa được khắc phục xong thì liệu dự án đê bao cho toàn khu vực trũng từ TP Hồ Chí Minh xuống Long An có phát huy được tác dụng hay càng làm cho tình trạng ngập nước khó giải quyết hơn? Điều này cũng được ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ trong các hội nghị bàn về giải pháp chống ngập cho TP Hồ Chí Minh, là phải tính toán và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để điều chỉnh cho phù hợp để có được tuyến đê bao mang tính chất lâu dài, vĩnh cửu và kinh tế. Không thể làm vì mục tiêu trước mắt để rồi vài chục năm sau phải làm lại.

Hiện tượng ngập nước cũng là một trong các chủ đề chính được nêu lên trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và UBND TP Hồ Chí Minh, được tổ chức giữa tháng 3/2010. Tại buổi làm việc này, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đã báo cáo rằng hệ thống thoát nước của địa phương mới đạt khoảng 1/6 chiều dài cần xây dựng và chỉ phục vụ 10% diện tích cần thoát nước. Với diễn biến ngày càng bất lợi của thời tiết, lưu lượng mưa lớn đã dẫn tới tình trạng úng ngập thường xuyên. Thực trạng này chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới kinh tế-xã hội thành phố dù vẫn dẫn đầu cả nước nhưng chưa đạt được tốc độ tương xứng với tiềm năng.

Nguy cơ từ quy hoạch ngược

Nhận định về khả năng các khu đô thị mới phải chịu cảnh nước ngập mỗi khi mưa to hoặc triều cường lớn, Giáo sư Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường thuộc Ðại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Những sai lầm trong quá trình đô thị hóa thiếu tầm nhìn khi gần 7.000 ha đất trũng vùng ven đã được san lấp để xây dựng các cụm công nghiệp, cùng hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp đã được phân lô để xây dựng nhà ở. Khi chỗ lưu nước bị chiếm thì hàng triệu m3 nước mưa cũng như nước sông rạch dâng lên do triều cường sẽ bị ứ lại và dồn ngược về phía nội thành làm cho hiện tượng ngập úng ngày càng tồi tệ.

Điều bất hợp lý là trong khi các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh luôn kêu rằng chống ngập là cấp bách nhưng lại vẫn “phóng tay” cấp phép cho các dự án san lấp kênh rạch. Cụ thể, giữa tháng 6/2010, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn, chủ đầu tư dự án sân gôn rộng hơn 120 ha tại phường An Phú, tiếp tục được phép san lấp kênh rạch dù khu vực này là nơi thoát nước cho khu dân cư đường Đỗ Xuân Hợp (quận 2).

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM cho rằng: Tình trạng ngập lụt ngày càng tăng là do tốc độ đô thị hóa tại TP.HCM quá nhanh nhưng thiếu sự đầu tư đồng bộ trong xây dựng cơ sở hạ tầng và do sự sụt lún của địa tầng do khai thác nước ngầm quá mức. Bên cạnh đó, các dự án thoát nước thi công chậm nên khi đi vào hoạt động luôn trong tình trạng lạc hậu so với tình hình thực tế.

Trước thực trạng trên, TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhận định: Cho dù thành phố có đổ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hàng loạt công trình thoát nước như cống kiểm soát triều, nạo vét kênh mương, xây dựng hồ điều tiết chống ngập… cũng chưa chắc giải quyết triệt để tình trạng ngập lụt. Bởi nguyên nhân căn cơ nhất gây nên tình trạng ngập lụt chính là việc thành phố đã và đang san lấp tất cả các vùng trũng để xây dựng đô thị.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN