Chống hàng giả, hàng nhái - Hàng gì cũng bị làm giả

Cứ vào cuối năm, hàng giả, hàng nhái lại có cơ hội tung hành trên thị trường, tình trạng gian lận thương mại lại diễn ra tràn lan khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Thực tế này cũng đang tác động không nhỏ đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đặt ra yêu cầu cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng.


Hàng giả, hàng nhái được làm ngày càng tinh vi nhằm đánh lừa người tiêu dùng và che mắt các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng biết là hàng giả nhưng vẫn “nhắm mắt” mua, khiến hàng giả, hàng nhái càng có đất sống.


Hàng gì cũng bị làm giả


Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức tại các chợ ở TP Hồ Chí Minh như chợ Bình Tây (quận 6), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới như Mango, Chanel, Zara... được bày bán la liệt.

 

Lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng giả trong 10 xe container đã thông quan tại TP Hồ Chí Minh ngày 8/1. TTXVN


Phần lớn trong số đó có xuất xứ Trung Quốc, được tiểu thương mua buôn với giá rất rẻ sau đó được đẩy lên bán với giá gấp 2 - 3 lần so với giá gốc. Tại chợ Bà Chiểu, một chủ sạp hàng thời trang mời khách với những lời quảng cáo hấp dẫn. Theo bà chủ hiệu này, các loại quần áo ở đây là hàng Thái, hàng Việt Nam xuất khẩu. Khi chúng tôi hỏi mua một chiếc quần jean với hiệu nhãn Mango, chủ sạp hàng này ra giá 500.000 đồng/chiếc. Chúng tôi thắc mắc hàng hiệu sao lại có giá đó và tại sao mác phía sau lại có chữ Trung Quốc thì được chủ cửa hàng trấn an ngay: “Em yên tâm đi, hàng không phải đánh thuế nên giá mới rẻ”. Sau một hồi trả giá, chúng tôi đã mua được chiếc quần với giá 230.000 đồng. Mức giá quá rẻ so với thương hiệu Mango nổi tiếng.


Không chỉ có mặt ngoài vỉa hè, trong chợ, mà hàng nhái, hàng giả còn được bày bán công khai ở các cửa hàng thời trang và các trung tâm mua sắm lớn trong thành phố. Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, trong năm 2013, có gần 10.000 sản phẩm balo, túi xách; khoảng 65.000 đôi giày dép và 140.000 quần áo giả bị phát hiện, thu giữ. Trong những tuần đầu của tháng 1/2014, Chi cục đã tạm giữ 40.245 sản phẩm gồm sữa, mỹ phẩm, quần áo, giày, phụ tùng xe, máy tính bảng giả. Tuy nhiên, con số hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường chắc chắn lớn hơn con số đó rất nhiều.

Trước thông tin về việc một người dân mua nhầm tôm giả làm từ nilon, ông Đỗ Xuân Thủy, TGĐ Công ty CP Đồng Xuân cho biết, chưa phát hiện vụ việc nào như vậy tại chợ Đồng Xuân. Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, Ban quản lý chợ sẽ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để ngăn hàng giả ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.


Tại Hà Nội, cuộc chiến chống “vấn nạn” hàng giả cũng gian nan không kém. Hầu hết các loại hàng hóa, từ đơn giản đến phức tạp trên thị trường đều có thể bị làm giả. Những mặt hàng bị làm giả nhiều theo tên gọi và kiểu dáng các thương hiệu nước ngoài hoặc các thương hiệu nội bán rất chạy như May 10, Việt Tiến, Kim khí Thăng Long, phích nước Rạng Đông… Gần Tết, nhiều loại thực phẩm, nước giải khát, bia, mì tôm, bánh kẹo, mứt Tết… cũng bị làm giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Ông Đỗ Xuân Thủy, TGĐ Công ty CP Đồng Xuân (hiện đang quản lý chợ Đồng Xuân - chợ lớn nhất Hà Nội), thừa nhận, hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới vẫn tràn ngập trong chợ dù cho các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý. Trước đây, Ban quản lý chợ cũng có những chiến dịch tuyên truyền, các tiểu thương cam kết không kinh doanh hàng nhái thương hiệu nổi tiếng, song đến nay kết quả không được như mong đợi. Phần vì người tiêu dùng trong nước vẫn “sính” thương hiệu ngoại, trong khi khả năng tài chính chưa cho phép, nên họ chấp nhận mua hàng nhái với giá rẻ hơn rất nhiều giá hàng thật.


Hàng nhái ngày càng tinh vi


Ngay trong những ngày đầu năm 2014, nhiều lô hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu và xử lý. Ngày 8/1, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra lô hàng trong 10 container bị tạm giữ trước đó gồm: Thiết bị loa, đèn LED, văn phòng phẩm, máy móc ngành dệt may, dụng cụ trang trí phục vụ Tết, các loại vải vóc… ghi xuất xứ từ Thái Lan, Singapore, thậm chí in sẵn chữ tiếng Việt. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả nguồn gốc xuất xứ. Ước tính lô hàng tạm giữ có tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.


Trước đó, ngày 6/1, tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 6 đã thu giữ 4 tấn bánh kẹo “đội lốt” hàng Việt Nam. Lái xe chở số hàng trên khai nhận chở thuê số bánh kẹo trên từ biên giới phía Bắc về Hà Nội nhưng chưa kịp gặp chủ hàng thì bị bắt. Như vậy, hàng giả không chỉ là hàng Việt Nam hoặc Trung Quốc nhái các thương hiệu nước ngoài, mà còn có cả hàng Trung Quốc nhái hàng Việt Nam chất lượng cao. Sự tinh vi này càng khiến việc xử lý của cơ quan chức năng trở nên khó khăn hơn.


Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đánh giá, tình trạng kinh doanh hàng rởm, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành hàng và đặc biệt nở rộ vào dịp cuối năm. “Các thủ đoạn sản xuất hàng giả phổ biến hiện nay là dùng hàng kém chất lượng hoặc nguyên liệu rẻ tiền (chủ yếu từ Trung Quốc) rồi “mông má” như hàng thật. Đặc biệt, thời gian gần đây đã xuất hiện các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái với quy mô công nghiệp, có tổ chức, dưới danh nghĩa các công ty xuất khẩu theo hợp đồng gia công”, ông Kiếm cho biết.


Ông Kiếm nhận định, hàng giả được sản xuất ngày càng tinh vi hơn, khiến cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái.


Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, muốn diệt hàng nhái, hàng giả, phải phá được tận “ổ” sản xuất, nơi nhập lậu từ biên giới. “Muốn chống hàng giả phải chống từ gốc, chứ hiện nay ta vẫn chống từ phần ngọn. Người ta sản xuất ra hàng vạn sản phẩm giả, phân phối đi khắp Bắc Trung Nam rồi thì khó tìm! Lúc phát hiện ra hàng giả thì người dân đã mua mất rồi”, ông Phú nhấn mạnh. Theo ông Phú, người tiêu dùng nên mua hàng ở những địa chỉ tin cậy, có hóa đơn chứng từ.

 

 Hoàng Dương - Đan Phương - Thu Hồng

 

Doanh nghiệp 'kêu trời' vì hàng giả
Doanh nghiệp 'kêu trời' vì hàng giả

Hàng giả không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp (DN) trong nước làm ăn chân chính, làm suy yếu sức cạnh tranh của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN