Cho vay tiêu dùng: Khuyến khích mua hàng trả góp

Từ đầu năm đến nay, hoạt động cho vay tiêu dùng lớn dường như trầm lắng. Những cuộc điện thoại, email mời gọi vay tín dụng tiêu dùng như mua nhà, xe ô tô... của các công ty tài chính hầu như giảm hẳn. Tuy nhiên, hình thức cho vay trả góp khi mua sắm các mặt hàng điện tử, điện máy tiêu dùng lại được các công ty tài chính đẩy mạnh.

Vay... dễ

Tại hầu hết các trung tâm thương mại, cửa hàng điện tử, điện máy, xe máy... tại trung tâm TP.HCM đều có dịch vụ hỗ trợ khách hàng vay tiền mua hàng trả góp. Tuy nhiên, mức lãi suất cũng vô chừng tùy theo hồ sơ.

Các công ty tài chính đang đẩy mạnh cho vay mua hàng trả góp, trong đó có vay trả góp mua xe gắn máy.


Theo nhân viên tư vấn của công ty tài chính SGVF tại cửa hàng điện máy MC.2 trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 (TP.HCM), chỉ cần bản sao chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu, hóa đơn tiền điện hoặc nước, điện thoại bàn trong 3 tháng gần nhất là có thể được vay đến 70% giá trị sản phẩm, kỳ hạn thanh toán từ 6 – 24 tháng. Mức lãi suất vay tính mặt bằng chung từng tháng là 2,58%. Nếu khách hàng chứng minh được thu nhập ổn định như hợp đồng lao động và bản lương 1 – 3 tháng gần nhất, hoặc bản sao kê tài khoản ngân hàng của 3 tháng gần nhất... thì sẽ được giảm lãi suất còn 1,86%/tháng.

Chị Ý Nhi - nhân viên văn phòng tại một công ty quảng cáo ở quận 1, cho biết: Mức lãi suất của SGVF như thế là dễ chịu với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, để đạt mức lãi suất 1,86%/tháng thì thủ tục làm hồ sơ vay khắt khe hơn. Với các công ty tài chính khác, thủ tục vay tiêu dùng lại cực kỳ đơn giản. Như Công ty tài chính Home Credit (PPF Group N,V), chỉ cần CMND, hộ khẩu photo là có thể vay được 70% giá trị sản phẩm, thời gian xét duyệt chỉ trong vòng 15 – 20 phút. Nhưng, dễ vay lại đi kèm với mức lãi suất cho vay lên đến 3,4%/tháng cho sản phẩm điện tử và gần 3% cho sản phẩm xe máy.

Đối với Công ty tài chính ACS, mức lãi suất cho vay được xem là tương đối mềm. Chị Sương, nhân viên tư vấn tài chính ACS tại cửa hàng đại lý Yamaha trên đường Lý Tự Trọng - quận 1, cho hay: Công ty ACS có thể hỗ trợ vốn vay cho khách hàng đến 80% với mức lãi suất 2,5%/tháng, không cần chứng minh thu nhập nếu vay dưới 35 triệu đồng. Chị Sương tính toán: “Nếu chị mua chiếc xe máy Exiter giá 56 triệu đồng/chiếc, chỉ cần trả trước 21 triệu đồng, số tiền trả lãi lẫn gốc trong vòng 24 tháng sẽ là 2.333.000 đồng/tháng”.

Rủi ro... cao

Có thể thấy, việc đơn giản hóa thủ tục cho vay của các công ty tài chính không chỉ giúp công ty tìm kiếm khách hàng dễ dàng mà còn khuyến khích người dân mua sắm trong thời điểm kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng thủ tục cho vay càng đơn giản thì rủi ro càng tăng cao. Theo ông, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính so với ngân hàng khá cao. Chỉ cần làm phép tính số tiền phải trả góp 24 tháng khi mua chiếc xe máy Exiter như trên, người tiêu dùng phải trả lãi đến gần 21 triệu đồng, tương đương với số tiền trả trước. Chính vì vậy, có nhiều người chỉ vì “đam mê” trước mắt, sau một vài tháng trả góp trở nên “đuối” không đủ khả năng trả nợ.

Một nhân viên của công ty tài chính thừa nhận: Để tránh rủi ro khi cho khách hàng vay khoản tiền lớn mua sản phẩm bất động sản, xe hơi hay chứng khoán..., công ty đã tập trung chủ yếu vào lĩnh việc điện tử, điện máy tiêu dùng. Trong đó, phần lớn là điện thoại, laptop... Vì thế, nhiều khách hàng là học sinh, sinh viên, hoặc người mới đi làm rất thích vay tiêu dùng của công ty do thủ tục đơn giản. Thế nhưng, vì đây là những đối tượng chưa làm ra tiền nên không lường trước được khả năng trả nợ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng khuyến nghị: Để tránh rủi ro sau khi cho vay, các công ty tài chính nên cân nhắc khi xét duyệt hồ sơ khách hàng.

Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN