Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thời gian qua Bộ Tài chính đã thực hiện chức năng của chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC. Việc hình thành SCIC theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với chức năng chủ yếu là tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đầu tư, kinh doanh, quản lý vốn nhà nước theo cơ chế thị trường và theo nhiệm vụ nhà nước giao; cung cấp các dịch vụ tài chính…, cũng đã góp phần đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước từ cơ chế hành chính sang phương thức đầu tư, kinh doanh vốn.
Trong hơn 12 năm hoạt động của SCIC đã đạt được một số kết quả như: hình thành một tổ chức kinh tế để triển khai một trong những chủ trương quan trọng của Đảng về đổi mới phương thức quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo mô hình doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, SCIC đã trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ để tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa và cơ cấu lại vốn nhà nước, tập trung vốn nhà nước. SCIC được xem là một trong những Tổng công ty đi đầu với việc tổ chức thoái vốn chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao tại các doanh nghiệp trong danh mục nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối.
Đồng thời, SCIC đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi tiếp nhận. Cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước triển khai tại tất cả các doanh nghiệp đã giúp SCIC bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động của SCIC còn gặp một số khó khăn như việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, quy mô hạn chế; vai trò đại diện chủ sở hữu gặp nhiều khó khăn do đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết, một số doanh nghiệp tiếp nhận hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước phải xử lý; các doanh nghiệp tiếp nhận hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nên việc tham gia quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng có khó khăn nhất định; việc thoái vốn, cổ phần hóa còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nhà đầu tư và tình hình thị trường tài chính, chứng khoán…
Để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của SCIC thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, củng cố mô hình và năng lực hoạt động để SCIC thực hiện vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ để đầu tư vào những dự án, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, tiếp tục làm đầu mối thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo lộ trình kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và vai trò cổ đông nhà nước tại doanh nghiệpthông qua việc áp dụng các chuẩn mực và biện pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Bộ trưởng, SCIC cũng cần đẩy mạnh mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh vốn với định hướng rõ nét hơn, tập trung vào những các lĩnh vực trọng yếu và có triển vọng lâu dài; đồng thời nghiên cứu từng bước mở rộng hoạt động đầu tư tài chính, mua bán sáp nhập doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong số 19 doanh nghiệp do Uỷ ban làm chủ sở hữu, SCIC là doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quản lý, sử dụng và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi tiếp nhận SCIC, Uỷ ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo SCIC tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, vai trò và nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một sự thay đổi lớn, thể chế hoá và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương khoá XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hiện nay bằng việc hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ.
Bên cạnh đó, việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cần thiết để kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ngày càng phức tạp tronng quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến 31/8/2018, tổng danh mục đầu tư của SCIC gồm 139 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.367 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 82.838 tỷ đồng, bao gồm: 133 Công ty cổ phần; 1 Công ty TNHH 2 thành viên; 5 Công ty TNHH 1 thành viên. Việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện thông qua 225 người đại diện; trong đó có 168 người là cán bộ doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 74,6%).