Kiến thức và ý thức phải luôn song hành
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research), Gen Z (Generation Z - thế hệ Z) là cụm từ để nói đến nhóm người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2015. Năm 2016, khi mới 25 tuổi, Mai Lan Vân đã có tên trong “Forbes Việt Nam under 30” với bản lý lịch đầy ắp thành tích học tập và các hoạt động xã hội đáng nể.
Mai Lan Vân từng đảm nhận vị trí Chủ tịch Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Anh - đại diện cho hơn 11.000 du học sinh tại Anh và được Đại sứ quán Việt Nam vinh danh là sinh viên xuất sắc nhất tại UK năm 2015; từng làm việc tại KPMG (một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới). Sau khi hoàn thành khoá học Thạc sỹ với tấm bằng xuất sắc tại trường City University of London, cô quyết định về Việt Nam.
Hiện tại, Vân là Giám đốc kinh doanh và marketing VinID với sản phẩm siêu ứng dụng VinID - dẫn đầu xu hướng về một nền tảng tích hợp đa dịch vụ và trở thành người đồng hành trong việc mua sắm như đi chợ online, thanh toán không tiền mặt, tích điểm mọi giao dịch.
Với góc nhìn chuyên môn của mình, Mai Lan Vân chia sẻ quá trình vừa đi học, vừa đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, nguồn vốn và cách quản lý, đầu tư cá nhân của chị. “Việt Nam là nước đang phát triển và có nhiều cơ hội mở giúp các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp. Với tôi, kinh nghiệm quản lý tài chính không chỉ khi tham gia khởi nghiệp mà ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần ý thức điều này”, Lan Vân cho biết. Vừa đi học, chị nhận thêm công việc gia sư, làm thuê tại quán ăn, nhà hàng; “săn” các loại học bổng để giảm chi phí học, nhờ đó, chị đã có số vốn khá để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh.
Quan niệm của nữ doanh nhân trẻ là kiến thức và ý thức phải luôn song hành. Lớp trẻ luôn phải cố gắng phấn đấu thành người có giá trị, dù đi làm thuê hay thành ông/bà chủ sau này. Với Mai Lan Vân, sống và làm việc là phải tạo ra giá trị cho cộng đồng. “Một trong những điều quý giá lớn trong cuộc sống là cần giữ được các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội, dù ngồi trên ghế nhà trường hay đi làm”, Lan Vân khuyên giới trẻ, các bạn sinh viên ở Việt Nam.
“Một dự án bất kỳ, dù lớn hay nhỏ, đều đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực và yếu tố để đi đến thành công. Nhân sự là một trong những yếu tố then chốt. Khi tất cả những người liên quan đến dự án có trách nhiệm và năng lực, chắc chắn khả năng thành công của dự án rất cao. Yếu tố quan trọng thứ hai là tài chính. Không có tài chính, mọi công tác triển khai của bất kỳ dự án nào cũng sẽ chỉ dừng lại ở những cái gạch đầu dòng trên giấy. Với các dự án mà nguồn vốn chưa đủ, mình phải làm việc vất vả hơn rất nhiều để có thể bao quát cả những công việc lẽ ra được giải quyết nhanh bằng tài chính. Vì vậy, nếu có đối tác tài chính tin cậy, có tiềm lực vững mạnh, dự án sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn, có sức ảnh hưởng lớn hơn”, chị Mai Lan Vân chia sẻ.
Chàng trai “vàng” trong làng Fintech và lời khuyên của các “sếp lớn”
Sở hữu 3 dự án khởi nghiệp gọi vốn thành công khi chưa đầy 30 tuổi, đến nay, Ngô Xuân Huy, CEO của Money Lover vẫn đang tiếp tục những thành công từ quá khứ để tiếp tục khẳng định uy tín và tên tuổi trong giới Fintech (công nghệ trong tài chính) Việt Nam.
Ngô Xuân Huy chia sẻ, anh có được may mắn về hành trình khởi nghiệp khi bắt đầu sự nghiệp năm 21 tuổi. Tuy nhiên trong 3 năm đầu, Ngô Xuân Huy tự nhận mình là những người hiếm hoi “sống sót” được. Thành quả thu được sau 3 năm khởi nghiệp là bề dầy trải nghiệm, kinh nghiệm tích lũy và lãi tiền chỉ là con số 0.
Trước khi đến với Money Lover, Huy từng là cái tên quen thuộc của cộng đồng game Việt Nam. Ở tuổi 16, đang học lớp 11, Huy cùng 3 người bạn phát triển 2 diễn đàn về Game đình đám là Pes.vn và Game4v.com. Thời điểm đó, game online bùng nổ với các game nổi tiếng giới trẻ như: MU, Audition. Nhóm của Huy thành lập một công ty để phát triển 2 diễn đàn. Vì thế, ở tuổi học sinh, sinh viên, khi đa phần sống dựa vào bố mẹ thì Huy đã có thể tự bỏ túi cho mình những khoản thu nhập riêng.
Money Lover bắt đầu bằng những buổi tối sau giờ học, Ngô Xuân Huy cặm cụi thử làm một ứng dụng mobile quản lý chi tiêu cho chính mình. Huy kể: “Cũng có người phàn nàn là ứng dụng có nhiều điểm không theo chuẩn kế toán nhưng đó là sản phẩm mình làm cho chính mình, làm sao thuận tiện nhất cho mình sử dụng”. Khi làm xong, Huy đưa sản phẩm lên chợ ứng dụng và bất ngờ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. “Money Lover có ứng dụng trên mọi nền tảng - từ nền tảng cũ kỹ của Nokia đến win 10 của Microsoft để tăng tối đa khả năng giành người dùng mới. Có chợ ứng dụng nào mới là Money Lover phải xuất hiện đầu tiên”, Ngô Xuân Huy chia sẻ.
Theo Ngô Xuân Huy, điều quan trọng nhất khi thực hiện gọi vốn là yếu tố con người, tính khả thi dự án và sự minh bạch trong quá trình triển khai. Trong đó con người là quan trọng nhất. “Với công ty khởi nghiệp thì sự tin tưởng, tử tế, không ‘chém gió’. Nói được, làm được là quan trọng nhất”, CEO của Money Lover nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Talk show với sinh viên của một số trường đại học ở Hà Nội, ông Lê Sơn Tùng, Tổng Giám đốc Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng đưa ra lời khuyên các bạn trẻ mỗi khi có ý định đầu tư từ số tiền hàng tháng. Theo ông Lê Sơn Tùng, trước tiên cần xác định một phần thu nhập dành cho chi tiêu cố định. Nhưng phần quan trọng nhất là dành ra một khoản để đầu tư. “Chúng ta phải hiểu rằng trong lĩnh vực đầu tư, giá trị của lãi suất kép tăng rất lớn trong thời gian lâu dài”, Tổng Giám đốc Agriseco nói.
CEO của Agriseco khuyến nghị: Các nhà đầu tư trẻ không nên hy vọng đầu tư “ăn xổi” lãi nhanh. “Muốn đầu tư tốt, người đầu tư phải có lợi thế cạnh tranh, từ đó mới tạo ra được giá trị sinh lời. Không thể chỉ nghe người này người kia mà có thể nhân đôi, nhân ba tài khoản chỉ trong một thời gian ngắn. Có thể chỉ được trong giai đoạn ban đầu nhưng sau đó các bạn sẽ mất hết”, ông Lê Sơn Tùng nhấn mạnh.