CPI bình quân 7 tháng tăng 5,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Trong tháng Bảy và 7 tháng 2024, có 10/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,16%.
Trong 7 tháng có một số mặt hàng tăng mạnh như nhóm giáo dục tăng 30,58%, do 3 tháng đầu năm các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND thành phố, đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,19%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,2 8%. Thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,15%.
Chỉ số giá đô la Mỹ, bình quân 7 tháng 2024 tăng 5, 72% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Có thể thấy trong những qua, việc bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân được thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước tính đạt 69,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 301,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng mức và tăng 10,1%.
Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 62,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 13% và tăng 10,5%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 46,8%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 95,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,2% và tăng 6,5%.
Hoạt động du lịch tiếp tục sôi động, là nguồn thu lớn cho nhiều ngành dịch vụ và ngân sách thành phố. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng Bảy ước đạt 468 nghìn lượt người, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 3.494 nghìn lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế tăng 43,4%; khách du lịch nội địa tăng 14,7%.
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết: Các hoạt động liên quan đến xúc tiến đầu tư thương mai du lịch đang tiến triển và khởi sắc tốt. Thành phố Hà Nội đã có rất nhiều các chương trình đối ngoại, xúc tiến, quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm với doanh nghiệp không chỉ ở trong nước mà còn nhiều thành phố trên thế giới. Từ việc hợp tác đầu tư đã giúp đỡ tích cực doanh nghiệp trên địa bàn ổn định hơn trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện thành phố có mối quan hệ hợp tác với hàng trăm thành phố trên thế giới và việc củng cố, mở rộng mối quan hệ thương mại đang được thành phố rất chú trọng. Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến, hội thảo, ký kết với các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ tiếp tục có các chương trình đa dạng, cũng như đẩy mạnh truyền thông về văn hóa, du lịch, làng nghề, hình ảnh đẹp của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Điển hình mới đây nhất là vào cuối tháng 7, thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công sự kiện “Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn” thu hút đông đảo doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế tham gia. Tại đây, có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm giúp cho các nhà đầu tư hiểu biết nhau hơn như tọa đàm “Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn”...