Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết: Qua phân tích số liệu mới đây của 36 ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước cho thấy, mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra (sau khi đã trừ chi phí trích lập dự phòng rủi ro) chỉ còn 1,93%. Điều này thể hiện sự chia sẻ của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và mức chênh lãi suất này là hợp lý.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại VietinBank Chi nhánh Cà Mau. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Băn khoăn mức chênh đầu vào - đầu ra
TS Nguyễn Đức Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho biết: Mức chênh lãi suất huy động và cho vay cao nhất trong 10 năm qua ở mức 3,5%; riêng năm 2012, mức chênh lệch bình quân là gần 2,2%.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Nếu lấy lãi suất bình quân huy động toàn ngành ngân hàng khoảng 7%/năm so với lãi suất cho vay ra ở mức 13% thì mức chênh lệch hiện có thể ở mức 6%. “Đây là con số bất hợp lý. Nếu các TCTD hoạt động lành mạnh có thể kéo mức chênh lệch này xuống khoảng 3%” - ông Hiếu nói.
Khẳng định không có mức chênh đến 6%, ông Phạm Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, chênh lệch đầu ra và đầu vào tại ngân hàng này đang duy trì mức 3%, nếu để chênh tới 6% là trái với chủ trương của Chính phủ và NHNN.
Còn ông Nguyễn Tiến Đông - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho hay, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay tại Agribank đang ở mức 4%. “Mức chênh này chưa trừ đi các chi phí khác như trích lập quỹ dự phòng rủi ro”, ông Đông cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, mức chênh lệch lãi suất như vậy là hợp lý. Nếu so với mọi chi phí mà ngành ngân hàng phải bỏ ra thì mức chênh lệch mà họ được hưởng không hề cao. “Giả sử với mức chênh lệch 4% (lãi suất cho vay 12% và huy động là 8%), tính trên khoảng 3 triệu tỷ đồng dư nợ thì toàn bộ hệ thống ngân hàng có lãi khoảng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu lấy con số này chia cho từng ngân hàng và số cán bộ ngân hàng thì mức sinh lợi của ngành ngân hàng không bằng mức sinh lợi của một DN bình thường. Trong khi đó, các ngân hàng còn phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro, chịu mất vốn trong quá trình cho vay...” - TS Vũ Đình Ánh giải thích.
Lãi suất khó giảm nữa
Theo NHNN, lãi suất huy động hiện phổ biến ở mức 1,5 - 2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn 1 tháng đến dưới 12 tháng là 5 - 7,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 8 - 10,5%/năm. Các NHTM đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên về mức 8 - 10%/năm; giảm tất cả các khoản vay có lãi suất trên 13%/năm về mức 13%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác 9 - 11%/năm ở khối NHTM nhà nước và 11 - 12%/năm ở khối NHTM cổ phần. DN có tài chính, phương án kinh doanh tốt được vay mức 7,5 - 8%/năm. |
PGS.TS Đào Văn Hùng - Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, lãi suất chỉ giảm khi lạm phát giảm. “Thực tế, mức lãi suất có thể giảm trước khi chỉ số giá tiêu dùng giảm, nhưng đây là bước đi không bền vững. Người dân có thể sẽ ồ ạt rút tiền và điều này sẽ tạo ra áp lực lên ngành ngân hàng”, ông Hùng nói.
“Lãi suất cho vay không còn là yếu tố quyết định đối với DN, mà việc hấp thụ vốn của DN mới đang là vấn đề của cả nền kinh tế với một loạt các câu hỏi được đặt ra như: Làm thế nào để tăng tổng cầu, giải quyết sức mua, xử lý nợ xấu?...”, nguyên Thống đốc NHNN - ông Cao Sỹ Kiêm nói.
Ông Sumit Dutta - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam - cho rằng, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nữa. Lãi suất đã gần như chạm đến mức thấp nhất trong lịch sử. “Chúng ta đã từng chứng kiến lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng xuống đến mức 1%. Điều đó chứng tỏ lãi suất khó có thể giảm mạnh được nữa”, đại diện HSBC Việt Nam nói.
Theo HSBC Việt Nam, tín dụng những tháng cuối năm có khả năng sẽ tăng trưởng tốt hơn. Lý do là: Lạm phát hiện đã giảm, tình hình sản xuất đang trên đà hồi phục; xuất khẩu cũng ở đà tăng hai con số, dòng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào khu vực sản xuất sẽ tạo được việc làm cho người lao động; Công ty Quản lý tài sản (VAMC) ra đời sẽ giải quyết bớt một phần nợ xấu và kinh tế vĩ mô có khả năng sẽ khởi sắc hơn.
“Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, tôi nghĩ cần tạo cơ hội để phục hồi và kích thích nhu cầu tiêu dùng, chứ không chỉ chú trọng vào tăng trưởng tín dụng. Các DN nên đánh giá lại tình hình hoạt động, mạnh dạn rút khỏi thị trường nếu khó có cơ hội phục hồi sản xuất hoặc chủ động cơ cấu lại DN, kêu gọi thêm nguồn vốn đầu tư nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng”, ông Sumit Dutta nói.
Minh Phương - Đỗ Huyền