Chấm dứt tình trạng xe chở quá tải trong năm nay

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ chấm dứt tình trạng xe quá tải hoạt động. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) đã được triển khai, số lượng xe quá tải vi phạm đã giảm nhiều, nhưng mức độ vi phạm còn cao. Do đó, cần có những giải pháp để kiểm soát tải trọng xe hợp lý hơn nữa.

Xây dựng mô hình kiểm soát xe quá tải hiệu quả

Tình trạng xe quá tải hoạt động trên quốc lộ 5 đã giảm rõ rệt cho thấy ý thức chấp hành chở đúng tải của lái xe và các doanh nghiệp chuyển biến rõ nét so với trước đây... Riêng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, 6 tháng cuối năm 2014, liên ngành CSGT - Thanh tra đường bộ tỉnh Hải Dương đã phát hiện, xử lý gần 4.500 ô tô các loại vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, điều đáng mừng là có tới 98% số xe tải trong số xe này qua kiểm tra tải trọng không vi phạm vào ban ngày. Chỉ có 2% số xe tải vi phạm vào ban đêm khi lưu thông trên các đường huyện lộ để tránh trạm cân lưu động liên ngành. Tuy nhiên, số xe này cũng bị liên ngành chủ động tuần lưu “đón lõng” và đưa về trạm kiểm tra, xử lý tại chỗ dứt điểm.

Nhiều xe chạy quá tải tới 400-500% vẫn ngang nhiên chạy trên các tuyến quốc lộ.


Để có được kết quả này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Dương Lê Quý Tiệp cho biết: Trạm KSTTX của tỉnh trực thuộc Sở GTVT, nhưng lực lượng thi hành công vụ tại trạm lại là lực lượng liên ngành công an - thanh tra và hoạt động theo nguyên tắc: Trạm trưởng, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành KSTTX do lãnh đạo Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đảm nhận. Hai trạm phó gồm Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT và Chỉ huy lực lượng CSGT. Mô hình này chia thành 4 tổ công tác, mỗi tổ gồm 10 người (CSGT, thanh tra giao thông, cảnh sát bảo vệ cơ động, kiểm soát quân sự, nhân viên vận hành cân), hoạt động liên tục 3 ca mỗi ngày, bao quát trên tất cả các tuyến đường bộ trong tỉnh.

Theo đó, các nhân viên vận hành trạm cân sẽ phụ trách hệ thống cân lưu động, thông số, phần mềm KSTTX. Lực lượng CSGT chỉ phát hiệu lệnh dừng xe, dẫn xe vào vị trí cân xe, kiểm soát theo quy định của Bộ Công an, lập biên bản đối với hành vi không chấp hành, chống đối, vi phạm trật tự ATGT. Còn Thanh tra giao thông làm tổ trưởng các kíp trực và lập biên bản vi phạm cuối cùng. Liên ngành này hoạt động theo quy chế của Ban ATGT tỉnh.

Qua tìm hiểu, nhiều tỉnh, thành phía Bắc như: Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nam, Hòa Bình… đã học tập kinh nghiệm và triển khai cách làm này. Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng Nguyễn Đức Chi nhận định: Hiệu quả KSTTX của tỉnh Hải Dương đã cho thấy những bất cập về cách làm, dẫn đến hệ lụy là xe quá tải vẫn phức tạp tại không ít địa phương hiện nay. Do đó, các cơ quan chức năng cần sửa quy chế phối hợp để Ban ATGT các địa phương làm trạm trưởng, thống nhất các lực lượng liên ngành.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang Nguyễn Văn Sơn cho rằng, việc phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các lực lượng chức năng trong việc KSTTX sẽ phát huy được hiệu quả phối hợp và xử lý xe quá tải. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nam Khổng Bình Nguyên, địa phương có tình trạng xe quá tải phức tạp nhất cả nước nhận định: Mô hình KSTTX của tỉnh Hải Dương mặc dù khác với quy chế phối hợp chung liên Bộ GTVT - Công an, nhưng sau nửa năm hoạt động, hiệu quả thực tế mang lại mới là thành công và cần nhân rộng cách làm này…

Không chặn chỗ này, bỏ chỗ kia

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sau 2 năm thực hiện Quy chế 137/QC-LN phối hợp liên ngành GTVT - Công an về KSTTX, xử lý vi phạm về kích thước thùng chở hàng ô tô tải tự đổ thông qua 63 trạm cân lưu động, liên ngành đã phát hiện xử lý trên 50.000 trường hợp xe chở hàng quá tải, song mới buộc cắt thùng tại chỗ được hơn 300 xe và vẫn chưa thể kiểm soát triệt để tình trạng xe quá tải nối đuôi nhau trên đường, chờ cơ hội vượt, “né trạm”, thậm chí ngang nhiên vi phạm…

Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn chứng: Đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra công tác KSTTX tại Hà Tĩnh. Bộ trưởng tận mắt chứng kiến tại đường vào Khu công nghiệp Vũng Áng trên QL12, tình trạng xe quá tải “rồng rắn” thành đoàn mà không thấy lực lượng nào xử lý. Trong khi, lực lượng chức năng địa phương chỉ làm trên tuyến QL1. Như vậy, rất khó để các doanh nghiệp vận tải tại địa phương tuân thủ không chở quá tải… Do đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Các lực lượng thi hành công vụ cần được phân công nhiệm vụ cụ thể, cùng phối hợp chốt chặn xử lý mới thu được hiệu quả, chứ không thể chia lực lượng chặn chỗ này, bỏ chỗ khác. Bên cạnh đó, KSTTX cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, để chịu trách nhiệm, đảm bảo không bảo kê, dung túng…

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) nhận định: Cần xây dựng mô hình thống nhất, hiệu quả. Nếu mỗi nơi làm một kiểu dễ vỡ trận. KSTTX của tỉnh Hải Dương là cách làm hiệu quả, sáng tạo, nhưng cũng rất cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương.
Đặc biệt, liên quan đến việc xử lý phương tiện buộc phải hạ tải khi bị phát hiện vi phạm, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng thì không xây dựng các bãi hạ tải theo đề xuất của một số địa phương, để chống lãng phí, mà nên yêu cầu xe quay lại điểm xuất phát, dỡ hàng và buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.

Bài và ảnh: Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN