Tại Quyết định số 395/QĐ-UBND, UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hiệu lực các Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường, khai thác tại các xã Đạ Lây, An Nhơn, Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh) với lý do hết thời hạn khai thác vào tháng 1/2019.
Tại Quyết định số 402/QĐ-UBND, UBND tỉnh đã chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác cát xây dựng trên sông Đồng Nai tại địa phận xã Đạ Lây và thị trấn Đạ Tẻh của ông Nguyễn Minh Hải, do hết thời hạn khai thác từ 11/1/2019.
Tại Quyết định số 403/QĐ-UBND, UBND tỉnh cũng chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác cát xây dựng trên sông Đồng Nai tại địa bàn xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lý Bình do hết thời hạn khai thác vào ngày 18/1/2019.
Theo các quyết định này, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ban hành, các tổ chức, cá nhân trên phải di dời thiết bị, tài sản còn lại của mình và các bên có liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản (trừ công trình, thiết bị đảm bảo an toàn mỏ, bảo vệ môi trường). Các tổ chức, cá nhân trên thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực theo quy định.
Ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trên sông Đồng Nai hiện có 10 tổ chức, cá nhân được tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác khoáng sản cát, trong đó có 3 trường hợp đã hết thời hạn cấp phép, 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác tới năm 2020.
Trước đó, ngày 1/1/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra văn bản chỉ đạo tạm dừng các hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng. Việc chỉ đạo tạm dừng khai thác cát trên sông Đồng Nai căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn cả nước và căn cứ vào thực tế tác động tới môi trường của hoạt động khai thác này.
Trong 3 - 4 năm gần đây, nhiều người dân địa phương đã gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí phản ánh hoạt động khai thác cát gây tác động nghiêm trọng, làm sạt lở bờ sông Đồng Nai tại khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai - Bình Phước. Đặc biệt, khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên và Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Cát Tiên đang bị sạt lở nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát gây ra.