Theo thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, nhu cầu vốn ODA cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1) trong năm 2017 là 5.400 tỉ đồng, trong khi trung ương chỉ cấp vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ để trả nợ cho nhà thầu trong năm 2016 và mấy tháng đầu năm 2017. Trước đó cũng vì chi vốn ODA chậm nên từ cuối tháng 9/2016 dự án phải dừng thanh toán, TP Hồ Chí Minh đã phải tạm ứng ngân sách cho nhà thầu để chi trả tiền công nhân, chuyên gia, vật tư...
“Từ cuối tháng 9/2016 do yêu cầu thanh toán và trong tình huống cấp bách, Thành phố đã quyết định tạm ứng vốn ngân sách đưa các nhà thầu trả lương cho công nhân, nhà cung cấp vật tư… Nhưng điều đó chúng ta không thể làm mãi vì Thành phố không có khả năng thực hiện việc đó. Đến nay, chúng tôi đã nhận được vốn của năm 2017 chỉ vừa đủ trả nợ. Các nhà thầu trong mấy tháng đầu năm nay đã phản ứng gay gắt, gửi thông báo sẽ giãn tiến độ, thậm chí ngưng luôn thi công nếu như không được thanh toán”, ông Quang nói.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn trên cao. |
Việc chậm chi vốn ODA nếu vẫn tiếp diễn trong thời gian tới sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Theo ông Quang, nếu nhà thầu giãn tiến độ, rút chuyên gia đi sẽ khó huy động trở lại trong một sớm một chiều, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu hoàn thành dự án. Hơn nữa, căn cứ theo hợp đồng đã kí thì việc thanh toán chậm, phía nhà thầu có quyền yêu cầu Thành phố trả lãi, thanh toán thiệt hại khi ngưng công trường; đồng thời cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh đầu tư tại Việt Nam.
Được biết đến nay, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đã triển khai thực hiện ba hợp đồng xây lắp và một hợp đồng mua sắm thiết bị theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC. Gói thầu còn lại (hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Vận hành và bảo dưỡng) sẽ triển khai thiết kế kỹ thuật cuối năm 2017.
Theo đó, gói thầu CP1a (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố), khối lượng thực hiện tổng thể đạt khoảng 5%. Cụ thể là hoàn thành di dời cây xanh (đợt 1) và di dời các công trình tiện ích, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu Liên danh Sumitomo – Cienco 4 thực hiện rào chắn và bắt đầu thi công một số hạng mục phụ trợ, tường vây (40/386 tấm panel) tại khu vực ga Bến Thành. Dự kiến gói thầu thực hiện trong thời gian 48 tháng, hoàn thành cuối năm 2020.
Công nhân đang thi công phần công trình nhà ga ngầm thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1. |
Còn gói thầu CP1b (xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) có khối lượng thực hiện tổng thể đạt 45%. Cụ thể là ga Nhà hát Thành phố (tiến độ đạt 64%), đã hoàn thành sàn mái, sàn tầng B1, B2 và đang thi công sàn B3, B4 và lối lên xuống.
Đối với nhà ga Ba Son tiến độ đạt 46% và hiện đang triển khai đào đất, thi công tường vây, cọc chống và thi công sàn B1, B2, sàn mái. Còn đoạn hầm đào hở, tiến độ đã đạt được 59%.
Riêng gói thầu CP2 (xây dựng đường trên cao và depot chiều dài 17,1 km từ ga Ba Son đến địa bàn tỉnh Bình Dương) có khối lượng tổng thể đạt khoảng 67%. Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đã thực hiện được 12% khối lượng công việc hợp đồng. Cuối cùng là gói thầu CP4 (hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Vận hành và bảo dưỡng) dự kiến triển khai vào cuối năm 2017.
Đối với tuyến metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương), theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị, Thành phố đã trình và đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án (tổng chiều dài 11,042km, dự kiến tổng vốn đầu tư điều chỉnh là 2,1 52 tỉ USD). Hiện nay các quận nơi dự án đi qua gồm: quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đã ban hành thông báo thu hồi đất, dự kiến sẽ bắt đầu bàn giao từ tháng 7/2017.
Riêng tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn dài 8,89km, tổng mức đầu tư dự kiến 1,563 tỉ EUR) đang trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định nghiên cứu báo cáo tiền khả thi.