Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không phải do chủ đầu tư, mà do Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum chậm ban hành giá đất cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Kon Tum, hiện nay, do thành phố có tới hơn 30 công trình, dự án nhưng chỉ có 2 đơn vị tư vấn, nên việc định giá đất bị chậm. Đối với dự án đường Đồng Nai, Ủy ban nhân dân thành phố đã họp nhưng do chưa đạt yêu cầu nên đang điều chỉnh hồ sơ để trình lại. Ủy ban nhân dân thành phố phải phụ thuộc vào các đơn vị tư vấn chứ không tự làm được giá.
Trước đó, tháng 4/2024, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về việc chậm định giá đất, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Kon Tum khẳng định, trong tháng 4 đến giữa tháng 5/2024, thành phố Kon Tum sẽ ban hành giá đất cụ thể của các dự án trọng điểm. Tuy nhiên đến nay, dự án nâng cấp, mở rộng đường Đồng Nai vẫn giải quyết được vấn đề trên.
Trong khi đó, ông Đàm Phúc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cho rằng, vấn đề duy nhất của dự án nâng cấp, mở rộng đường Đồng Nai là giá đất cụ thể. “Công tác phối hợp giải phóng mặt bằng, trong đó giá đất cụ thể là lớn nhất. Tuy nhiên, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố. Sau khi thành phố duyệt rồi thì chủ đầu tư chi trả cho người dân và triển khai”, ông Tuyên nói.
Điều đáng nói, kể từ đầu năm 2023 đến nay, tức là đã 1,5 năm trôi qua, dự án nâng cấp, mở rộng đường Đồng Nai vẫn phải “án binh bất động” vì một lý do duy nhất là Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum chưa ban hành giá đất cụ thể, dẫn tới vướng mặt bằng. Năm 2023, dự án này đã phải trả lại 100% vốn bố trí theo kế hoạch là 45 tỷ đồng. Số vốn này sau đó được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chuyển sang thực hiện cho năm 2024, nhưng đến nay vẫn tiếp tục “nằm im trong ngân khố”.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, dọc theo tuyến đường Đồng Nai, các đơn vị thi công đã bố trí nguyên vật liệu hai bên đường. Chỉ cần có mặt bằng, việc thi công công trình sẽ được thực hiện.
Ông Trịnh Huy Hiên, người dân sinh sống ở khu vực đường Đồng Nai cho biết, ông và các hộ dân trong khu vực đã được thông báo về việc nâng cấp, mở rộng đường Đồng Nai khoảng 3 năm trước. Gia đình ông Hiên thậm chí phải đóng cửa quán cà phê đang kinh doanh của gia đình để sẵn sàng nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, dự án này đã không triển khai trong suốt 2 năm qua, khiến gia đình ông Hiên chịu tổn thất không ít về kinh tế.
“Căn nhà tôi cho thuê bán quán cũng phải dừng vì dự án nâng cấp, mở rộng đường Đồng Nai. Nhiều hộ dân khác trên tuyến đường này muốn trồng cây nông nghiệp ngắn ngày cũng không làm được, công trình nhà ở bị hư hỏng cũng không sửa được vì chờ dự án”, ông Hiên bức xúc nói.
Dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 – Km52 (giao với đường Hồ Chí Minh) do Sở Giao thông Vận tải tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư, được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum quyết định triển khai giữa năm 2021. Dự án có tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án được đầu tư với mục tiêu cải thiện và nâng cao năng lực khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong khu vực, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đồng bộ với các dự án hạ tầng đã được đầu tư trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, tạo ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực.
Đầu tháng 6/2024, thực hiện công văn của Bộ Tài chính về công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách Trung ương do địa phương quản lý, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã nêu tên dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 – Km52. Qua đó, yêu cầu chủ đầu tư phải nghiêm túc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân, có nhu cầu vốn đảm bảo theo đúng yêu cầu, thời gian.
Trong khi người dân thì trông chờ dự án khởi công và hoàn thành sớm, chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cũng đã sẵn sàng, nhưng việc chậm ban hành giá đất cụ thể của Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum đã khiến dự án “dậm chân tại chỗ” suốt 1,5 năm qua. Và khi không thể giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum lại yêu cầu chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, dù nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân không phải do Sở Giao thông Vận tải tỉnh này.