Gia đình ông Tòng Văn Ỏm, ở bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La có 4 ha cà phê. Gần 20 năm gắn bó, với mức thu nhập bình quân từ 150 - 200 triệu đồng mỗi năm. Tuy chưa thực sự đủ đầy, nhưng cây cà phê đã mang lại cho gia đình ông một cuộc sống ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng đợt rét đậm, rét hại kèm theo sương muối kéo dài hơn 10 ngày qua đã khiến 3/4 diện tích cà phê của gia đình bị ảnh hưởng: Lá sạm lại, cả quả, thân và cành cũng đều bị đen xám như sắp chết khô.
Trong đợt rét vừa qua, toàn tỉnh Sơn La có hơn 640 ha cà phê ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Tp. Sơn La bị cháy lá, buộc phải chặt bỏ một phần thân cây hoặc trồng lại từ đầu.Công Luật - TTXVN |
Kinh nghiệm cho thấy, khi có các triệu chứng này, cây sẽ héo dần, chết mòn. Vì vậy, mấy ngày nay ông và gia đình phải tranh thủ tận thu toàn bộ số quả còn lại, cây nào không bị hỏng ngọn thì tỉa cành, những cây đã bị đen đúa thì phải đốn bỏ. Đáng lo ngại là số phải chặt bỏ tận gốc chiếm phân nửa diện tích cà phê của gia đình.
Ông Tòng Văn Ỏm cho biết: “Tôi thực sự rất lo lắng. Mấy ngày nay cả nhà tranh thủ hái nốt số quả còn lại, nhưng cũng chẳng còn được là bao vì phần lớn đã bị táp đen lại rồi, chắc chắn chất lượng cũng bị ảnh hưởng. Đau lòng lắm, nhưng buộc phải đốn đi để cho nó tiếp tục ra mầm, nếu không chặt cây cũng sẽ khô xuống tận gốc và chết hết”.
Gia đình chị Tòng Thị Phương ở bản Nẹ Nưa, cùng xã Hua La, cũng trong tình cảnh tương tự. Nhà có hơn 4 ha cà phê thì qua đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối cũng khiến một nửa diện tích bị ảnh hưởng. Không có ruộng, nương… hàng chục năm qua, mọi nguồn thu trong gia đình chỉ trông chờ vào cà phê. Nay cà phê bị ảnh hưởng do sương muối, năng suất giảm, chị rất lo cho cuộc sống của gia đình.
Thiệt hại do rét đậm, rét hại ở Sơn La hiện chưa thể "đong, đo đếm" chính xác, song, con số hàng trăm ha cà phê bị ảnh hưởng, gần 200 con gia súc bị chết đang khiến cuộc sống của nhiều hộ dân lao đao, đối mặt với nguy cơ tái nghèo trở lại.
Tỉnh Lai Châu cũng đã thành lập đoàn kiểm tra xuống huyện Tân Uyên kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây vụ đông và gia súc. Tại đây đồng bào đã chủ động che phủ được trên 90% diện tích mạ, các cây rau màu cũng được che chắn cẩn thận, nên không bị ảnh hưởng nhiều. Đồng bào cũng đã chủ động nhốt gia súc trong chuồng, chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho gia súc… nên những ngày qua không bị chết thêm con nào. |
Tại tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần là một trong những huyện của tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều trong đợt rét đậm, rét hại này. Theo thống kê của UBND huyện, thiệt hại về hoa màu trên địa bàn ước khoảng 2,1 tỷ đồng; trong đó, gây thiệt hại nặng tại các xã Thu Tà, xã Xín Mần… với 26 ha khoai tây bị ảnh hưởng nặng, hơn 150 ha rừng mới trồng bị chết hoàn toàn, 70 ha rau màu vụ đông bị chết không có khả năng hồi phục.
Theo thông tin từ phóng viên TTXVN ở tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái - các tỉnh có diện tích trồng cao su lớn thì do rét đậm và sương muối kéo dài, hàng loạt cây cao su có biểu hiện đọt non bị cháy vành lá, co lá lại như bệnh héo đen đầu lá. Ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu Tiếng cao su Lai Châu cho biết, hiện chưa tính được thiệt hại mà phải chờ nắng ấm lên, cơ của cây dãn ra mới biết được cây nào bị chết hay phát triển kém.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết trong những ngày vừa qua, UBND các tỉnh đã chỉ đạo các huyện tăng cường xuống cơ sở để giúp người dân khắc phục những thiệt hại do rét đậm, rét hại trên diện tích hoa màu vụ đông và tăng cường các biện pháp chống rét cho đàn gia súc.
Tỉnh Lai Châu cũng đã thành lập đoàn kiểm tra xuống huyện Tân Uyên kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây vụ đông và gia súc. Tại đây đồng bào đã chủ động che phủ được trên 90% diện tích mạ, các cây rau màu cũng được che chắn cẩn thận, nên không bị ảnh hưởng nhiều. Đồng bào cũng đã chủ động nhốt gia súc trong chuồng, chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho gia súc… nên những ngày qua không bị chết thêm con nào.
Vũ Hà - Xuân Tư