Cảnh báo sớm cung cầu thị trường rau, củ

Sau loạt bài về củ cải Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) dư thừa, giá giảm mạnh, phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Sơn về những giải pháp để tránh lặp lại tình trạng này với mặt hàng rau củ quả nói chung.

Từ đầu tháng 3 đến nay, giá rau, củ giảm mạnh, khiến nông dân các địa phương không thu hoạch, bỏ tại ruộng. Theo ông nguyên nhân do đâu?

Giá rau, củ sụt giảm mạnh và dư thừa chủ yếu có 3 lý do: Đúng vào thời điểm hàng năm bà con bắt đầu cấy lúa xuân, đối với vùng rau không chuyên canh (2 lúa, 1 vụ đông), nông dân phải giải phóng ruộng để chuyển sang cấy lúa xuân, khiến giá rau, củ giảm mạnh trong giai đoạn ngắn khoảng 15 ngày.

Nông dân Đông Cao, Tráng Việt xót xa bên ruộng củ cải đã thu hoạch một phần. Do bán với giá rẻ mạt nên họ "chưa buồn" thu hoạch phần còn lại. Ảnh: Hoàng Dương

Khi giá rau, củ đang cao ở thời điểm lứa thứ hai của rau, củ vụ đông, nông dân tranh thủ trồng lứa thứ nhất rau, củ vụ xuân từ rất sớm (sớm hơn 1 tháng) để tận dụng bán giá cao, nên thời điểm thu hoạch rau, củ vụ xuân trùng với thời điểm thu hoạch của rau, củ vụ đông lứa thứ hai, khiến sản lượng thu hoạch tăng cùng thời điểm, dẫn đến tình trạng tiêu thụ bị dồn ứ.

Vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, thời tiết ấm lên, các loại rau, củ nhiệt đới xuân hè (rau dền, muống, mồng tơi...) thay thế cho các loại rau vụ đông xuân (su hào, bắp cải, súp lơ, củ cải...) phát triển nhanh cũng dẫn đến việc tiêu thụ rau, củ vụ đông chậm lại.

Ngoài ra, đối với diện tích mà nông dân không thu hoạch do rau, củ đã già, chất lượng suy giảm, nên không bán được. Vì vậy người dân đã đổ bỏ, trường hợp này xảy ra ở vùng su hào ở huyện Mê Linh (Hà Nội), với diện tích còn khoảng 10 ha, vùng su hào ở Hưng Yên khoảng 11 ha.

Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến rau trong nước dư thừa và sụt giá là do rau, củ nhập từ Trung Quốc tràn vào. Quan điểm của ông như thế nào?


Thông thường chúng ta vẫn thấy rau su hào, bắp cải trong vụ xuân một phần có yếu tố chi phối của thị trường rau Trung Quốc. Bởi khi nhiệt độ tăng cao, chất lượng rau ôn đới như su hào, bắp cải giảm, lúc đó rau từ Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam bởi những vùng rau như tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có nhiệt độ thấp hơn, rau chất lượng hơn.

Vì vậy, song song với điều chỉnh cơ cấu, chúng ta cần có các biện pháp tuyên truyền hướng dẫn để người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp, nếu không hàng Trung Quốc tràn vào sẽ lấn át rau, củ của chúng ta.

Để kiểm soát rau Trung Quốc tràn vào, không thể cấm hoặc dựng hàng rào kỹ thuật vì như thế sẽ vi phạm các quy định của hiệp định thương mại đã ký kết. Ngành nông nghiệp chỉ có thể tăng cường kiểm tra, kiểm dịch chất lượng sản phẩm, nếu sản phẩm nào không đạt thì không cho xuất sang.

Chợ rau Mê Linh năm nay được mùa với đủ loại rau củ nhưng giá giảm mạnh. Ảnh: Hoàng Dương

Trước tình trạng rau, củ được mùa, mất giá hay được giá, mất mùa diễn ra thường xuyên, Cục Trồng trọt đưa ra những giải pháp gì để khắc phục, thưa ông?

Thực tế, ngành Nông nghiệp các địa phương đã có kế hoạch chi tiết để sản xuất rau, củ, không thể có cơ cấu mùa vụ nào khác bởi vì hai nhóm rau ôn đới và nhiệt đới đã rất rõ ràng về thời vụ. Cục chỉ khuyến cáo nông dân có liên kết trong sản xuất, sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Cục Trồng trọt sẽ tăng cường tuyên truyền hướng dẫn bà con và có những thông tin cảnh báo kịp thời về thị trường để bà con yên tâm sản xuất, đủ đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thị trường. Một trong những giải pháp cần đẩy mạnh thực hiện là nông dân cần tham gia vào chuỗi sản xuất, nông dân cùng liên kết lại với nhau thành tổ đội sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã. Điều đó giúp nông dân sản xuất chủ động, sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ được ký kết trước khi vào vụ.

Nếu liên kết sản xuất, nông dân sẽ không rơi vào tình cảnh bấp bênh về giá, sản xuất không biết bán cho ai. Nhiều vùng rau tập trung, chuyên canh ở Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc... đã có liên kết, còn nhiều tỉnh khác chưa có liên kết. Tính ra trong số 190.000 ha sản xuất rau vụ đông, diện tích liên kết chỉ chiếm 40%.

Xin cảm ơn ông!
Năm 2017, xuất khẩu ngành hàng rau củ quả đạt tới 3,45 tỷ USD, tăng trên 40% so với năm trước, bỏ xa kim ngạch xuất khẩu gạo (khoảng 2,66 tỷ USD), cà phê (trên 3,2 tỷ USD). Nhiều loại trái cây như vú sữa đã “có vé” đi Mỹ, chanh leo xuất sang EU, xoài xuất đi Úc…

Riêng trong tháng 1 đầu năm nay, xuất khẩu rau củ quả ước đạt hơn 320 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm PV Báo Tin Tức/TTXVN
Mỏi mòn trông chờ giải pháp dài hơi cho củ cải Tráng Việt
Mỏi mòn trông chờ giải pháp dài hơi cho củ cải Tráng Việt

Nhắc đến chiến dịch "giải cứu" củ cải đang diễn ra, người dân Tráng Việt ngán ngẩm cho đó là giải cứu thương lái chứ không phải giải cứu nông dân vì không về tận ruộng thu mua cho bà con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN