Để kịp thời cảnh báo nông dân trên địa bàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate trong canh tác cà phê và sản xuất trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate trên địa bản; xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tỉnh cũng phân định rõ trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong quản lý từ cấp huyện đến cấp xã và đẩy mạnh giám sát, ngăn chặn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate.
Ngành nông nghiệp khuyến khích phát hiện, tố giác và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn những trường hợp lợi dụng sự kém hiểu biết của nông dân để trục lợi, thu lời bất chính từ việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thuốc giả, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc cấm sử dụng ở Việt Nam.
Tỉnh Gia Lai nghiêm cấm các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không được phép buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate. Đồng thời, tỉnh đề nghị các công ty, doanh nghiệp sản xuất cà phê và cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn sử dụng thuốc trừ cỏ có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, ít độc hại, không tồn dư trong đất, không tồn dư trong nhân hạt cà phê.
Thay thế thuốc trử cỏ chứa gốc Głyphosate bằng thuốc trừ cỏ có chứa gốc Glufosinate ammoni như: thuốc Basta 15 SL, Jiafosina 150 SL, Glu-elong 15 SL, Glusat 200 SL... Khi sử dụng phải đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đứng lúc và đúng cách).
Trong khi đó, theo văn bản số 1912/SNN-TTBVTV ngày 15/10/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị 12 huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về việc hoạt chất Glyphosate đã bị loại bỏ và cấm sử dụng hoàn toàn tại Việt Nam. Đồng thời tăng cường bố trí cán bộ đi cơ sở để nắm tình hình buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ Glyphosate; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quảng cáo, buôn bán, sử dụng hoạt chất này không đúng quy định.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hoạt chất Glyphosate đã được loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam từ năm 2019 và gia hạn trở lại đến tháng 6/2021. Từ ngày 1/7/2021, hoạt chất Glyphosate chính thức bị cấm sử dụng hoàn toàn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, tại các vùng trồng cà phê, người dân đang tiến hành phun thuốc trừ cỏ để chuẩn bị thu hoạch. Glyphosate là nhóm thuốc bảo vệ thực vật có hiệu lực diệt trừ cỏ dại hơn hẳn các loại chất trừ cỏ khác nên được người nông dân ưa chuộng sử dụng. Bởi vậy, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng một số tổ chức, cá nhân tích trữ, đầu cơ, găm hàng cung ứng cho nông dân để diệt cỏ trong mùa thu hoạch cà phê; tránh tình trạng gây mất an toàn về dư lượng, sản phẩm khi xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lầm Đồng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trồng cà phê hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ cỏ để diệt cỏ dại. Người dân có thể thay thế bằng các biện pháp thủ công làm cỏ bằng tay, sử dụng máy cắt cỏ hoặc phát cỏ để giữ thảm thực vật chống xói mòn, rửa trôi phù hợp với canh tác cà phê trên đất dốc. Nếu người dân vẫn cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì sử dụng các loại hoạt chất đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Các huyện, thành phố cần tổ chức các đoàn thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về quảng cáo, buôn bán, sử dụng hoạt chất Glyphosate không đúng quy định; đồng thời, tuyên truyền về việc hoạt chất Glyphosate đã bị loại bỏ và cấm sử dụng hoàn toàn tại Việt Nam theo quy định…
Trước đó, ngày 13/10/2021, Tổ chức Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP) cảnh báo về vấn đề dư lượng Glyphosate trong cà phê của những lô hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Đây sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành cà phê Việt Nam nếu khối lượng lớn xuất khẩu không đáp ứng được mức dư lượng tối đa (MRL) cho phép của châu Âu đặt ra.
"Nếu vấn đề Glyphosate không được xử lý đúng, Việt Nam có thể mất đi thị trường xuất khẩu cà phê sang châu Âu; đồng thời, nông dân sản xuất cà phê cũng bị tác động nghiêm trọng về mặt kinh tế và thu nhập" - Văn bản số 18472/HĐHT ngày 13/10 của GCP nêu rõ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021. Như vậy, đến thời điểm này, việc cấm sử dụng, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate đã có hiệu lực.