Cần tư duy mới, hành động mới để có kết quả tốt hơn

Ngày 2/2, xông đất và chúc Tết tại Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chúc lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động hai Ngân hàng một năm mới tràn đầy năng lượng, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017; tư duy mới, hành động mới để có kết quả tốt hơn.

Đi đầu trong tái cơ cấu thị trường vốn

Bày tỏ vui mừng tới gặp mặt và dự phiên giao ban đầu tiên năm mới tại Vietcombank, Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2016, khó khăn chồng chất khó khăn, thách thức nối tiếp thách thức do những tác động không thuận của kinh tế thế giới, kinh tế khu vực, thiên tai, sự cố môi trường… nhưng “tiền hung, hậu cát”, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội đặt ra đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến thăm, chúc Tết, động viên cán bộ, nhân viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhân ngày làm việc đầu tiên của năm mới Đinh Dậu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng “con tàu kinh tế Việt Nam năm 2016 có những lúc bị rung lắc do đi qua khu vực thời tiết xấu (do Brexit, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Fex tăng lãi suất…), tài khóa - tiền tệ có những lúc rung lắc nhất định nhưng chúng ta đã vượt qua, đi về đích an toàn, trong đó có đóng góp rất lớn của ngành Ngân hàng”.

Phó Thủ tướng nêu rõ, năm 2016, ngành Ngân hàng đã thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, chặt chẽ nhưng linh hoạt theo tín hiệu thị trường và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ được cho tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Trong đó, Vietcombank tiếp tục nổi lên như một điểm sáng, đạt được những chỉ tiêu và kỷ lục mới, trên mức bình quân của cả ngành. Vietcombank đã đạt được mục tiêu kép, là Ngân hàng top đầu trong nộp ngân sách với số tiền hơn 5.000 tỷ đồng, đồng thời góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho nền kinh tế.

Nhìn nhận mục tiêu trở thành Ngân hàng số 1 của Việt Nam, đến năm 2020 lọt vào Top 300 Ngân hàng và định chế tài chính lớn nhất của thế giới, quản trị tiếp cận với thông lệ quốc tế tốt nhất, là tham vọng, song, Phó Thủ tướng tin tưởng Vietcombank hoàn toàn có khả năng thực hiện.

Để làm được nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng nói chung, Vietcombank nói riêng quán triệt các quan điểm lớn trong Nghị quyết Đại hội XII, những chủ trương căn bản trong các Nghị quyết của Trung ương.

Vietcombank phải là ngân hàng tiên phong trong nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; đi đầu trong tái cơ cấu thị trường vốn và thị trường tiền tệ, làm cân bằng hơn thị trường này; nâng hơn nữa tỷ trọng doanh thu của các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; hoàn thiện về chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Phó Thủ tướng đề nghị Vietcombank tiên phong trong đề xuất, nêu sáng kiến về chính sách; mong muốn năm 2017, Vietcombank hình thành Trung tâm nghiên cứu phân tích dự báo về chính sách kinh tế vĩ mô. Nêu rõ một trong những yếu kém nhất hiện nay là khâu tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng lưu ý, quyết tâm chỉ có 1, nhưng biện pháp phải là 10, tổ chức thực hiện là 20.

Đề xuất các kế sách để tham mưu cho Chính phủ

Chiều cùng ngày, thăm và chúc Tết lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thủ tướng nêu rõ, Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong hai ngân hàng của Chính phủ, công cụ đòn bẩy kinh tế của nhà nước để thực hiện các chính sách về xã hội đối với người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến thăm, chúc Tết Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Phó Thủ tướng ghi nhận 15 năm qua, nhất là năm 2016, các chỉ tiêu của Ngân hàng đều đạt ở mức khá, dư nợ năm 2016 xấp xỉ 160.000 tỷ đồng với 67.000 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, tốc độ tăng trưởng hàng năm 8 – 10% nhưng nợ xấu rất thấp. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hoạt động hiện nay so với yêu cầu thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng bày tỏ trăn trở về vấn đề vốn đầu tư.

Phó Thủ tướng mong muốn Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành Ngân hàng nghiên cứu, tính toán kỹ giải pháp và cơ chế huy động vốn của xã hội để đáp ứng nhu cầu vốn cho hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, cũng như chương trình cho vay theo Nghị định 100 về nhà ở xã hội và tín dụng sinh viên.

“Giai đoạn tới đến 2020 nhu cầu vốn huy động nông thôn mới ước 1,1 – 1,2 triệu tỷ đồng, chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng cần vốn lớn, trăn trở lớn nhất là vấn đề vốn ở đâu”, Phó Thủ tướng nêu.

Cho rằng chương trình nhà ở xã hội và tín dụng sinh viên là hai chương trình quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cần báo cáo cụ thể, trả lời cho được câu hỏi vốn ở đâu ra, cách thức thế nào để huy động vốn thị trường, không để chính sách mãi nằm trên giấy; cần xem xét các nguồn vốn hợp pháp khác, kể cả các nguồn viện trợ cho vay, tài trợ của Ngân hàng Thế giới hòa chung vào ngân sách. Khi huy động được vốn thị trường, ngân sách chỉ cấp bù chênh lệch lãi suất.

Về hoạt động cho vay, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội thiết kế lại một số chương trình hiện nay, để chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống. “Để chính sách của Đảng, Nhà nước đi được vào cuộc sống thì trước hết cuộc sống phải thấm đẫm trong chính sách”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng mong muốn qua hoạt động thực tiễn, Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất với Đảng, Nhà nước tháo gỡ thể chế, chính sách, lồng ghép để chính sách đơn giản hóa, không bị chồng chéo, nghiên cứu mức cho vay, cách thức cho vay, các chương trình cho vay bài bản, tập trung gắn trực tiếp với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều.

“Tuy không phải là Ngân hàng hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận nhưng lại hoạt động trong cơ chế thị trường, đòn bẩy này phải tuân thủ theo quy luật thị trường, đón được quy luật thị trường để kích thích tính năng động, sáng tạo của những người nghèo vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cũng theo Phó Thủ tướng, “suy cho cùng Chính phủ kiến tạo ở thể chế thế nào, chính sách thế nào, đề xuất sáng kiến chính sách mới có sức sống mới được. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn 2% của ngân hàng thương mại, thêm phát hành trái phiếu và cấp bù chênh lệch không có sức sống để phát triển”.

Đưa ra ví dụ liên quan đến chính sách như có chỗ cần vay thì định mức lại thấp, nhưng chỗ không cần thiết hoặc không vay đến mức đó lại cho định mức rất cao, như vậy không gắn với cuộc sống, Phó Thủ tướng cho rằng cho vay việc làm nên gắn với phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào giải quyết việc làm cho nông dân, người nghèo cần tập trung vào. Từ số lượng biến đổi thành chất lượng, tính định mức cho vay trên cơ sở số lượng người được giải quyết việc làm.

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội làm tốt chức năng thanh toán, chức năng ngân quỹ, nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương.

Cho rằng việc giải quyết sinh kế cho người dân là quan trọng nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm có tính toán đánh giá tính toán cẩn thận, bài bản, có cái nhìn dài hạn hơn, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, năng động hơn nữa trong lĩnh vực này, đề xuất các kế sách để tham mưu cho Chính phủ, kể cả việc huy động vốn cho vay, tăng cường các nguồn lực cho vay ủy thác cho người nghèo qua ngân hàng.

Phó Thủ tướng nhắc nhở hai Ngân hàng phải đổi mới và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, bao gồm cả kỹ thuật và quản trị theo chuẩn mực tốt nhất của thế giới. Nhấn mạnh đến trách nhiệm và đạo đức của người làm công tác ngân hàng, với xã hội, với đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị hai Ngân hàng rà soát lại bộ máy, con người, trang thiết bị và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí hoạt động ở mức cao nhất, phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh logistics
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh logistics

Ngày 9/1, tại Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn sẽ có nhiều nhà đầu tư mới mở rộng đầu tư kinh doanh logistics tại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN