Cần cơ chế khuyến khích dùng dịch vụ thanh toán không cần tiền mặt

Thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn vì vậy, nhiều chuyên gia ngân hàng, công nghệ cho rằng: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, giảm phí khi thanh toán qua ngân hàng.

Ngày 24/8, ông Phạm Tiến Dũng- Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) cho hay: Để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, hiện có 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. Có 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc.

Người dân truy cập internet đặt mua vé tàu Tết Đinh Dậu 2017 tại ga Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Ngoài ra, có 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên bên cạnh thành tích đạt được, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN cũng đã chỉ ra một số tồn tại trong việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng như: Giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt vùng sâu, vùng xa; việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.

“Nguyên nhân do cơ chế chính sách và hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng chưa phù hợp và đảm bảo. Sự tương thích về mặt kỹ thuật giữa ngân hàng, trung gian thanh toán với đơn vị cung ứng dịch vụ công như chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ chưa chặt chẽ”, ông Dũng nói.

Thực tế, sự thuận tiện của tiền mặt và thói quen của người dân cũng là tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng. Một số trường hợp khách hàng còn phải trả phí khi thanh toán qua ngân hàng cũng là rào cản khiến khách hàng ưu tiên sử dụng thanh toán bằng tiền mặt.

Đề cập tới những thách thức và đề xuất liên quan tới việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đối với dịch vụ công, bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm & Marketing –VietinBank cho biết: Thời gian qua, VietinBank đã phối hợp với nhiều đơn vị để triển khai thu hộ các nguồn thu ngân sách Nhà nước như thuế, phí sử dụng đường bộ… thu hộ tiền nước gạch nợ trực tuyến với hơn 30 công ty nước tại các địa phương đồng thời tiên phong triển khai dịch vụ thanh toán viện phí trực tuyến cho hơn 150 bệnh viện và thu hộ học phí cho hơn 120 trường học.

Ngoài ra, VietinBank cũng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thu kinh phí công đoàn qua ngân hàng và đang xây dựng giải pháp thanh toán phí/lệ phí công trực tuyến - eGPS để hỗ trợ người dân.

“Đúng là còn nhiều khó khăn về thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp, tình trạng thiếu hành lang pháp lý như: Chưa có hướng dẫn cụ thể để cơ quan hành chính Nhà nước mở tài khoản chuyên thu phí/lệ phí tại ngân hàng thương mại; chưa có hướng dẫn cụ thể điều chỉnh quan hệ các tổ chức trung gian (ví dụ các bệnh viện, trường học…) trong việc hợp tác với ngân hàng phát hành thẻ.

Do đó, VietinBank kiến nghị các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thiện hành lang pháp lý để các đơn vị có đủ cơ sở hợp tác với các ngân hàng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đồng thời từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Để khắc phục những tồn tại và thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, ông Phạm Tiến Dũng kiến nghị: Phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán; Triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công. Đồng thời mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), công ty đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 17.000 máy ATM, 270.000 máy POS, 300 doanh nghiệp thanh toán điện tử trong các lĩnh vực hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch; phục vụ hơn 100 triệu chủ thẻ của 46 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

NAPAS đang phối hợp cùng các ngân hàng trực tuyến, các đơn vị hành chính công xây dựng hạ tầng để người dân có thể dễ dàng, nhanh chóng thanh toán trực tuyến qua mạng Internet, thanh toán trên ứng dụng chạy trên điện thoại thông tin.

Phó tổng giám đốc Công ty NAPAS cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ triển khai dịch vụ công cấp 4. Đặc biệt cần đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin nhằm quản lý dữ liệu tập trung; phân công, phân nhiệm rõ ràng cho đầu mối phụ trách tại các đơn vị dịch vụ công.

Minh Phương/Báo Tin tức
Thanh toán Home Credit Việt Nam chỉ cần một chạm ví MoMo
Thanh toán Home Credit Việt Nam chỉ cần một chạm ví MoMo

Ngày 22/8, Ví điện tử MoMo và Công ty tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam đã công bố hợp tác chiến lược giữa hai bên, cụ thể là việc tích hợp tính năng thanh toán khoản vay qua ví MoMo vào ứng dụng di động của Home Credit.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN