Hội nghị nhằm nhìn nhận yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 và xác định những nội dung, vấn đề cải cách cần ưu tiên ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, bối cảnh kinh tế trong năm 2021 không hề dễ dàng đối với Việt Nam khi trải qua hai đợt bùng phát dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 với nhiều diễn biến phức tạp và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong bối cảnh đó, cách thức, tư duy điều hành cũng từng bước điều chỉnh linh hoạt, hướng tới sống chung an toàn với dịch bệnh; từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, tổ chức lại hoạt động sản xuất, tạo điều kiện kinh doanh, lưu thông hàng hóa, dịch vụ…
Chính phủ vẫn ưu tiên cao nhất trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, qua đó chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, duy trì đồng thuận xã hội hướng tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh.
Nhiều tổ chức quốc tế đã có những cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới gần đây ước tính GDP năm 2021 ở mức từ 2-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố tháng 8/2021. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ở mức cao hơn là 3,78%. Việc phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ có ý nghĩa hơn nếu đi kèm với tính bền vững, ít nhất là trong vòng 5 năm tới.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, khó khăn kinh tế một lần nữa lại thử thách ý chí, quyết tâm của Việt Nam. “Chúng ta vẫn nhìn thấy những điểm sáng trong tư duy cải cách thể chế kinh tế thông qua việc đề ra nhiều giải pháp tạo động lực cho nền kinh tế; phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, TS. Trần Thị Hồng Minh nói.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề, trọng tâm ưu tiên cải cách ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025; trong đó, nhấn mạnh tới duy trì cải cách trong quá trình phục hồi và yêu cầu đặt ra là cải cách song song, thay vì cải cách sau khi đã phục hồi kinh tế.
Cùng đó là việc huy động và sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả sử dụng nguồn lực; không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững. Đồng thời, đòi hỏi thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, tạo động lực cho cải cách thể chế, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế; trong đó, quan tâm nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân, hay tư duy về tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong thời gian qua và có thể kéo dài trong một vài năm tới. Hiện nay, Việt Nam vừa phải đảm bảo 3 mục tiêu là phòng chống dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Lực cho rằng, cần nhanh chóng khắc phục hậu quả do COVID-19 và đây là yếu tố đầu tiên muốn khôi phục và phát triển kinh tế. Theo đó, thực hiện chuyển đổi số và kỹ năng số; hệ thống mạng lưới an sinh xã hội an toàn tốt hơn cùng mức độ lành mạnh và sự chống chịu của hệ thống tài chính.
TS. Cấn Văn Lực cho hay, những nước có khả năng điều chỉnh mô hình chống dịch phù hợp, có khả năng lập kế hoạch, phối hợp chính sách giữa y tế với kinh tế, ban hành cơ chế chính sách nhanh, nhất quán thì vượt qua đại dịch hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hiện nay chất lượng văn bản pháp luật chưa cao, tính nhất quán còn thấp, sức sống và sức bền của chính sách cũng là điểm yếu, việc hướng dẫn chậm, trong khi việc thực thi chưa hiệu quả. Đây là điểm nghẽn nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận.